,

Cần xây dựng cơ chế, chế tài rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng

Cử tri đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; cần xây dựng cơ chế, chế tài rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương còn để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và chặt phá rừng, đồng thời làm rõ những dấu hiệu làm ngơ, bao che cho các hành vi vi phạm.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực triển khai thực hiện của các Bộ ngành, địa phương trong thời gian vừa qua, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khoáng sản nói chung, cát, sỏi lòng sông nói riêng đã được nâng cao, số lượng các vụ khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, cũng còn một vài địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng này như phản ánh của nhân dân. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản đã được hoàn thiện với: 01 Luật, 09 Nghị định (trong đó có 04 Nghị định mới được ban hành để thay thế); 06 Quyết định và 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 62 Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan. Các quy định của Luật khoáng sản và các văn bản dưới Luật theo hướng chặt chẽ, minh bạch và bền vững. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân. Các nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong công tác bảo vệ môi trường; phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản ...

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, các cơ sở chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chủ trì các Hội nghị trực tiếp, trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, trực tiếp kiểm tra việc khai thác cát, sỏi tại một số địa phương nhằm giải quyết triệt để việc khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân. Gần đây nhất là các Thông báo: số 161/TB-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2017 và số 325/TB-VPCP ngày 25 tháng 7 năm 2017 về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan và một số địa phương về tình hình vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi, các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực đã yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương để khắc phục tình trạng này.

Về phía các Bộ, ngành

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý cương quyết, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép từ khâu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đến tuyên truyền hướng dẫn thi hành pháp luật và thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012), theo đó, Nghị định đã bổ sung nhiều nội dung mới nhằm tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi được giao quyền khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đã quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế các Nghị định số: 142/2013/NĐ-CP và 33/2017/NĐ-CP, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020), theo đó nội dung Nghị định đã bổ sung chi tiết và thêm nhiều hành vi vi phạm, tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm từ 2 đến 3 lần, đặc biệt đã quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác cát, sỏi và đã tăng mức xử phạt cao nhất theo quy định nhằm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản.

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2020). Nội dung Nghị định đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các địa phương, của lực lượng cảnh sát đường thủy đối với việc khai thác cát, sỏi trái phép nhất là ở vùng giáp ranh giữa các địa phương. Nghị định đi vào cuộc sống sẽ góp phần rất quan trọng để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động khai thác và vận chuyển cát, sỏi lòng sông.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề để xử lý các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương để nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch (Báo cáo số 54/BC-BTNMT ngày 27 tháng 5 năm 2020). Theo đó, nội dung báo cáo đã thể hiện đầy đủ hiện trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép và kết quả xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương. Nội dung báo cáo cho thấy, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã thực sự vào cuộc, đã thực sự quyết liệt trong công tác lập lại kỷ cương, xóa bỏ tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép trên địa bàn cả nước. Có thể khẳng định hiện nay, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, không phép đã giảm hẳn cả về số lượng và quy mô.

Về phía các địa phương

Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập và phê duyệt quy hoạch khoáng sản trong đó có cát, sỏi lòng sông; ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt kế hoạch hoặc phương án bảo vệ khoáng sản, quy định trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong quản lý khoáng sản trên địa bàn. Riêng đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông ngoài việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành; ban hành quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, các lưu vực sông, … thực hiện đồng thời nhiều biện pháp như quản lý chặt chẽ bến bãi, lập đường dây nóng, nghiêm cấm việc mua bán cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Một số số liệu cụ thể tại Báo cáo số 54/BC-BTNMT ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ:Các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã ban hành 52 quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở những khu vực giáp ranh, có 652 bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng được cấp giấy phép hoạt động; Các địa phương qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm, xử phạt (7.302 trường hợp vi phạm khai thác trái phép, 7.634 trường hợp vi phạm Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật) với số tiền trên 167,7 tỷ đồng; một số vụ vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã được chuyển xử lý hình sự (26 vụ); ngoài xử phạt vi phạm hành chính đã thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác trái phép. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đã thực sự giảm cả về quy mô và số lượng, một số địa phương đã cơ bản ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tái diễn như: Thanh Hoá, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Thọ ...

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Các Bộ có liên quan và địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nội dung nhiệm vụ quy định cụ thể trong Nghị định số 23/2020/NĐ-CP nêu trên; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 142/TB-VPCP, theo đó, các địa phương ban hành và thực hiện đúng cam kết Quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch trên địa bàn; cấp phép mở bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; kiên quyết xử lý dứt điểm bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi trái phép và có biện pháp chống tái diễn. Phát huy vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng đối với chính quyền và với doanh nghiệp; của chính quyền cấp trên đối với chính quyền cấp dưới; tăng cường giám sát quá trình khai thác của các doanh nghiệp theo đúng Giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là nơi có nguy cơ sảy ra sạt lở.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản để thay thế Chỉ thị số 03 nêu trên, trong đó đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để triển khai thực hiện các quy định mới của 05 Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản đã được ban hành từ khi có Chỉ thị số 03 đến nay.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục