,

Bảo tồn, phát triển bền vững hệ thống hang động núi lửa

Nhìn lại năm 2022, ngành địa chất Việt Nam đã có những hoạt động nhằm tăng cường bảo tồn, phát triển bền vững hệ thống hang động núi lửa.

 

Năm 2022, lần đầu tiên Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (Hội nghị ISV20) chủ đề “Bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa" tại tỉnh Đắk Nông.

Tại hội nghị này, các đại biểu đến từ Văn phòng UNESCO Việt Nam; Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; các nước thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và các nhà khoa học Việt Nam tham dự, chia sẻ mô hình, kinh nghiệm hợp tác bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa.

Tại đây, Ban Quản lý Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO tỉnh Đắk Nông công bố một phát hiện mới trong quá trình khảo sát hang C7 thuộc hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học phát hiện thêm một số nhánh mới của hang với chiều dài khoảng 175m. Phát hiện mới này, chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu còn khảo sát khám phá các hang động như C7, C3, C4, C6.1, C1, C2, C9, C8, P8 và núi lửa Nâm B'lang, thác Đ'ray Sáp, thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nằm trên địa bàn huyện Krông Nô. Đây là những điểm di sản và hang động, độc đáo, đẹp nhất của thắng cảnh  này. Dựa trên kết quả khảo sát, các chuyên gia khuyến nghị, tư vấn phát triển du lịch hang động theo hướng phù hợp, an toàn.

Hội nghị ISV20 được UBND Đắk Nông tổ chức thành công đã thể hiện quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Đây cũng là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hội thảo đã nhận được những đánh giá, đề xuất của các chuyên gia về cách thức bảo tồn, khai thác hiệu quả núi lửa và hệ thống núi lửa trong vùng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được công nhận từ năm 2020. Hai năm qua, với sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia UNESCO, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch công viên địa chất gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Âm vang từ Trái đất”, với 44 điểm di sản. Đây chỉ là bước khởi đầu cho một quá trình khai thác, vận hành hiệu quả và rất cần có những chính sách phát triển phù hợp.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đang tập trung triển khai thực hiện 16 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nhất là cải thiện hình ảnh, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực quản lý và tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục