,

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản phù hợp thực tiễn và xu thế hội nhập

Sáng ngày 15/9, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá 05 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản”. Hội thảo là dịp để lắng nghe các ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Hội thảo do đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đồng chí Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các doanh nghiệp; các Hiệp hội và Hội về khoáng sản.

 

 Đoàn chủ trì Hội thảo

 

Tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, khoáng sản là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản của Đảng và Nhà nước đã định hướng và tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững. Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai  khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách khá toàn diện cho quản lý khoáng sản. Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 với 86 điều, trong đó có tới 48 điều có nội dung hoàn toàn mới, có quy định lần đầu tiên quy định trong quản lý khoáng sản đã được triển khai thực hiện đến nay được hơn 05 năm.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, so với những lần xây dựng Luật Khoáng sản năm 1996, năm 2005, Luật Khoáng sản lần này được xây dựng trong bối cảnh năm 2009, Đảng đoàn Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan thực hiện Đề án hoàn thiện pháp luật về sở hữu đối với một số loại tài sản mới: cổ phiếu, trái phiếu, sở hữu tri tuệ, tài nguyên nước, khoáng sản. Theo đó, toàn bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quốc hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản trong Đề án đã được trình Bộ Chính trị xem xét thông qua làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện để ban hành Luật Khoáng sản năm 2010.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

 

Sau khi Luật Khoáng sản được ban hành, thực hiện chức năng giúp Chính phủ thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 06 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp.

Đến nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được những kết quả đáng kể với diện tích được điều tra, lập bản đồ địa chất – khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền, nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược đã được điều tra, đánh giá như bauxit, sắt laterit, titan…. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện ngày càng chặt chẽ. Công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc với kết quả đáng kể, góp phần đưa các quy định mới của Luật Khoáng sản đi vào cuộc sống.

“Ngành công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang chiều sâu, nhằm khai thác triệt để, thu hồi tối đa khoáng sản; bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả…” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói.

 

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội thảo 

 

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản phù hợp với thực tiễn và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới

Sau hơn 05 năm thực hiện, qua thực tiễn cho thấy một số chủ trương, chính sách cũng như quy định của pháp luật về khoáng sản cần được rà soát, đánh giá nhằm tiếp tục hoàn thiện; có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.

Tại Hội thảo, đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến thảo luận để đánh giá các nhóm vấn đề: (i) nhận thức của cán bộ và nhân dân về khoáng sản; (ii) đánh giá những kết quả đạt được; hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, (iii) những giải pháp và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa nguồn lực này để phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

 

Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình bày

báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản

 

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trình Chính phủ xem xét, quyết định hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản để phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. 

Monre

Tin cùng chuyên mục