Tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2010) trao đổi với báo Tài nguyên & Môi trường ông Nguyễn Đình Mộc Liên đoàn trưởng - Liên đoàn Địa chất Đông Bắc cho biết: Liên đoàn rất phấn chấn, bởi kỷ niệm ngày thành lập ngành Địa chất năm nay có 2 điểm nổi bật là: Ngày kỷ niệm trùng với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 718QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 "Lấy ngày 02 tháng 10 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Địa chất Việt Nam".
Thành tích nổi bật nhất của Liên đoàn Địa chất Đông Bắc 65 năm qua được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Liên đoàn trưởng Nguyễn Đình Mộc: 65 năm qua Liên đoàn đã tiến hành tìm kiếm thăm dò phát hiện, xác định làm rõ hàng trăm mỏ khoáng sản đáp ứng yêu cầu khai thác. Trong đó có 34 mỏ chì kẽm, 21 mỏ sắt, 20 mỏ thiếc wonfram, 12 mỏ antimon, 15 mỏ than (riêng ở Thái Nguyên), 11 mỏ vàng, 9 mỏ barit, 17 mỏ mangan và hàng trăm mỏ khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Các mỏ này đã và đang khai thác phục vụ cho nhu cầu phát triển nền kinh tế vùng Đông Bắc, Việt Bắc của Tổ quốc, góp phần vào thành tích chung của ngành trong 65 năm qua. Với những đóng góp đó, Liên đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu của Bộ Tài nguyên & Môi trường; là một trong những đơn vị của tỉnh Thái Nguyên được UBND Tỉnh tặng cúp vàng doanh nhân tiêu biểu xuất sắc năm 2009 và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên...
Theo ông, tại vùng Đông Bắc và Việt Bắc có loại khoáng sản gì đặc trưng nhất và quy mô tầm cỡ ra sao ?
Liên đoàn trưởng Nguyễn Đình Mộc: Khoáng sản đặc trưng nhất ở vùng Đông Bắc và Việt Bắc là than antraxit, than nâu, chì, kẽm, sắt, mangan, antimon và pyropilit (khoáng chất cao nhôm). Trong đó, nhiều nhất là than và chì kẽm. Bể than Quảng Ninh có trữ lượng khoảng trên 60 tỷ tấn than antraxit, bể than sông Hồng trên 200 tỷ tấn than nâu. Trong vùng có mỏ chì kẽm Chợ Đồn, Chợ Điền (Bắc Kạn) trữ lượng khoảng 800 ngàn tấn. Các mỏ chì kẽm phân bố ở huyện Sơn Dương, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang (tổng cộng 7 mỏ) với khoảng trên 1tỷ tấn. Chì kẽm ở các mỏ này có giá trị và quy mô lớn của Việt Nam.
Quá trình làm nhiệm vụ thăm dò, đánh giá tài nguyên khoáng sản, ông có nhận xét và đề xuất gì với cơ quan cấp trên về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay nhằm đạt hiệu quả cao nhất ?
Liên đoàn trưởng Nguyễn Đình Mộc: Công tác quản lý khoáng sản là một nhiệm vụ trọng tâm cơ bản của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hiện nay và tương lai là Tổng cục Địa chất Khoáng sản. Để làm tốt được nhiệm vụ này nếu chỉ có các bộ phận quản lý cấp trên thì chưa đủ ! Nên chăng giao công tác quản lý khoáng sản cho các Liên đoàn Địa chất khu vực cùng thực hiện như những năm trước đây Tổng cục Mỏ - Địa chất đã làm, chắc sẽ có sức mạnh tổng hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn..
Là một cán bộ kỹ thuật trưởng thành từ cơ sở và đảm nhận các cương vị lãnh đạo: Chủ nhiệm đề án, phó Đoàn trưởng, Đoàn trưởng, phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn trưởng, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, tạo bước phát triển cho đơn vị. Xin ông cho biết: Định hướng phát triển trong thời gian tới của Liên đoàn Địa chất Đông Bắc để phát triển bền vững, hòa nhập với bước phát triển của ngành Địa chất Việt Nam trong thời hội nhập?
Liên đoàn trưởng Nguyễn Đình Mộc: Để phát triển bền vững, Liên đoàn Địa chất Đông Bắc phải tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đủ năng lực để đảm đương công việc. Trang bị máy móc hiện đại, tiên tiến đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra đánh giá thăm dò khoáng sản theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Liên đoàn phải tổng hợp đầy đủ kết quả đã điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực Liên đoàn quản lý; từ đó tiếp tục đề xuất và triển khai các nhiệm vụ địa chất khoáng sản ở các khu vực đã điều tra đánh giá, thăm dò, hoặc các khu vực đã và đang khai thác để phát hiện triệt để tiềm năng khoáng sản còn lại trong lòng đất. Tiếp tục đánh thức tiềm năng khoáng sản còn nằm trong lòng đất vùng Đông Bắc Việt Nam chính là nội dung quan trọng để xây dựng và phát triển Liên đoàn trong thời hội nhập.
Xin cảm ơn ông.