,

Thu hơn 2.000 tỷ tiền sử dụng số liệu kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thực hiện thu hồi tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước. Theo đó, đã thu về cho ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng, góp phần tái đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

* Đã điều tra, đánh giá 18 loại khoáng sản có giá trị lớn

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản của nhà nước Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đề án “Tổ chức xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của nhà nước” tại Quyết định số 1547/2010/BTNMT ngày 23/8/2010 (sau đây gọi tắt là Đề án 1547). Với mục tiêu tổ chức xác định tiền hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước phục vụ cho thăm dò, khai thác khoáng sản để hoàn lại một phần vốn từ ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho công tác đánh giá, thăm dò khoáng sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, 18 loại khoáng sản có giá trị lớn đều được Nhà nước bỏ tiền ra thăm dò và xác định được trữ lượng gồm: sắt, mangan, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, nhôm, titan, đất hiếm, than, apatit, serpentin, quarzit, kaolin, grafit, đá vôi xi măng và đá sét xi măng. Do đó, Tổng cục xác định chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản nhà nước đã đầu tư cho từng mỏ và giá trị hoàn trả, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản của nhà nước theo quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước trong những năm tiếp theo.

Đến thời điểm ngày 30/6/2017, Tổng cục đã tiến hành rà soát toàn bộ trên 500 Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp hiện đang còn hiệu lực đồng thời cũng xem xét toàn bộ các hồ sơ đề nghị cấp phép mới trong 05 năm qua cho thấy số giấy phép hoạt động khoáng sản phải hoàn trả tiền đánh giá thăm dò khoáng sản là 285 giấy phép. Hiện đã thu về cho ngân sách Nhà nước gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng số liệu thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, đây là nguồn lực quan trọng để Nhà nước tái đầu tư cho ngành địa chất thực hiện công tác đánh giá, thăm dò khoáng sản trong những năm tiếp theo.

Tuy vậy, trên thực tế còn nhiều doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp tiền sử dụng số liệu. Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục Địa chất – Khoáng sản Việt Nam, có 35 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện việc nộp tiền theo quy định của pháp luật với số tiền chậm nộp lên tới trên 384 tỷ đồng (chiếm khoảng 18,65%). Nguyên nhân là do chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ mạnh, mặt khác còn do một số giấy phép được cấp trước khi tổ chức cá nhân nộp tiền hoàn trả.

* Rà soát quy định, tăng chế tài xử phạt các doanh nghiệp chây ì

Hiện nay số tiền nhà nước đã đầu tư cho điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng các loại khoáng sản trên cả nước là rất lớn nhưng giá trị thu hồi chỉ được khoáng 20%. Tổng cục ĐC&KS Việt Nam chỉ ra, giá trị chưa thu hồi này nằm trong các phần trữ lượng chưa cấp phép, trong các loại khoáng sản chưa khai thác, các mỏ do địa phương cấp phép khai thác…

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, sau 5 năm thực hiện thu tiền theo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường số 186/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28/9/2009 vẫn chưa bao quát hết các trường hợp, chưa thật sự phù hợp với thực tế mỏ khoáng sản; mới chỉ tập trung vào các giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp, còn lại một khối lượng không nhỏ các mỏ khoáng sản thuộc đối tượng hoàn trả nhưng do địa phương cấp phép theo thẩm quyền vẫn chưa được thực hiện việc hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản của Nhà nước.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc yêu cầu Tổng cục ĐC&KS Việt Nam cần phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định “Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư” thay thế Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường số 186/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28/9/2009, số 64/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 25/4/2012.

Đồng thời, Tổng cục cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về hoàn trả chi phí, thăm dò khoáng sản; đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và các trường hợp không thực hiện nộp tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo quy định.

Monre

Tin cùng chuyên mục