,

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản: Những người

Sau 45 năm xây dựng và phát triển, tiềm lực nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ của Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản đã sánh ngang với các viện nghiên cứu chuyên ngành ở nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Âm thầm cống hiến

Ngày 15/5/1965, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản (Viện NCĐC&KS) - tiền thân là Đoàn Nghiên cứu Địa chất 45 - được thành lập. Ban đầu chỉ có 50 CBCNV, trong đó có 30 kỹ sư làm công tác nghiên cứu cổ sinh và địa tầng, thạch học, địa hóa, địa vật lý, phân tích khoáng thạch học và 20 cán bộ trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý. Trang thiết bị phân tích thí nghiệm lúc đó hầu như không có gì. Nhưng đến hôm nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chủ chốt của Viện đã không ngừng lớn mạnh với 3 tiến sỹ khoa học, 26 tiến sỹ chuyên ngành, 30 thạc sỹ và nhiều kỹ sư được đào tạo một cách có hệ thống, giàu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ về địa chất, khoáng sản.

Nhìn lại thành quả sau 45 năm hoạt động nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực địa chất và tài nguyên khoáng sản mới thấy thật nhiều gian nan mà các thế hệ cán bộ, nhân viên của Viện đã trải qua. Lặng lẽ, âm thầm là đặc thù công việc của những người làm nghiên cứu. Nhưng với những người nghiên cứu địa chất khoảng sản, công việc không chỉ có thế. Rừng sâu, núi cao, hang động… những nơi nào khó khăn, hiểm trở nhất trên dải đất mọi miền Tổ quốc đều có dấu chân họ. Và với 10 Chương trình trọng điểm, gần 300 đề tài cấp Ngành và cấp Nhà nước đã góp phần quan trọng từng bước làm sáng tỏ lịch sử phát triển địa chất lãnh thổ, điều kiện thành tạo và quy luật phân bố khoáng sản. Nhiều vấn đề liên quan tới địa chất môi trường, địa chất tai biến, địa chất đô thị, địa chất karst, năng lượng sạch, vật liệu mới, kinh tế địa chất, nguyên liệu khoáng... đã được giải quyết. Những kết quả đó một mặt tạo luận cứ khoa học cho việc dự báo và đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cho đất nước và vùng lãnh thổ; mặt khác phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý Nhà nước về địa chất và tài nguyên khoáng sản, trong đó góp phần hoạch định phương hướng điều tra địa chất và phát triển công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam.

Nghiên cứu gắn liền với thực tiễn

Tập trung nghiên cứu cơ bản gắn với nghiên cứu địa chất ứng dụng, những năm gần đây, Viện đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về vật liệu mới, như nguyên liệu keramzit cho sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ khu vực Đông Nam Bộ (2001), hướng tới mục tiêu góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc về vật liệu xây dựng nhẹ cho cộng đồng dân cư ở các khu vực thường xuyên bị úng ngập; giá trị sử dụng diatomit, bentonit, zeolit, kaolin phục vụ sản xuất công-nông nghiệp và xử lý môi trường ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và giá trị sử dụng của vermiculit ở đới Sông Hồng và Phan Si Pan phục vụ cho sản xuất công nông nghiệp các tỉnh phía Bắc... Đứng trước thực trạng nguồn nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu khí... ngày càng cạn kiệt và việc sử dụng chúng xâm hại nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, những nhiệm vụ nghiên cứu về nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo (địa nhiệt) đã được Viện triển khai ở các khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc Bộ. Qua đó, 263 nguồn địa nhiệt đã được mô tả chi tiết dựa theo các thông số kinh tế - kỹ thuật đặc thù và định hướng khai thác, sử dụng chúng trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có 12 nguồn hội đủ các điều kiện kinh tế - kỹ thuật có thể xây dựng nhà máy phát điện thân thiện với môi trường, tham gia cân bằng năng lượng của quốc gia.

Những đề tài nghiên cứu Địa chất môi trường, như tai biến địa chất, hiện trạng ô nhiễm, xâm nhập mặn nguồn nước đã được Viện thực hiện trên địa phận các tỉnh ven biển, các đới khô và bán khô Bình Thuận, nghiên cứu dự báo tác động môi trường địa chất vùng hồ và ngoại vi thủy điện Sơn La... Việc khoanh vùng dự báo, cũng như những đề xuất về các biện pháp giảm thiểu hậu quả tai biến địa chất, định hướng sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất/nước đúc rút từ kết quả nghiên cứu một cách có hệ thống của các nhiệm vụ này đã góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng lãnh thổ và giáo dục cộng đồng. Viện KHĐC&KS hầu như là địa chỉ duy nhất ở Việt Nam triển khai nghiên cứu mạnh mẽ về Địa chất các vùng đá vôi, đặc biệt, với sự giúp đỡ và phối hợp một cách có hiệu quả của các nhà khoa học Vương quốc Bỉ đã phát hiện và mô tả chi tiết trên 200 hang động karst, trong đó nhiều hang có độ dài trên 1000m, sâu hơn 100m, riêng hang Cống Nước (Tam Đường, Lai Châu) sâu tới 602m. Qua đó, một số phương pháp nghiên cứu mới đặc thù lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, nhiều vấn đề về địa chất, địa chất thủy văn, quản lý đất/nước vùng karst, môi trường karst lần đầu tiên được làm sáng tỏ, một số vùng sâu/vùng xa vốn rất khan hiếm nước đã được cung cấp nước tới hộ gia đình...

Ở những khía cạnh cụ thể, kết quả nghiên cứu - điều tra về địa chất, khoáng sản đã tạo luận cứ khoa học phục vụ cho công tác quản lý các hoạt động khoáng sản, cũng như xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam. Trong đó, thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu chuyên ngành, Viện đã đề xuất xây dựng nhiều quy trình, quy phạm kỹ thuật, như Quy chế Phương pháp địa hóa tìm kiếm khoáng sản rắn, Quy phạm Kỹ thuật thăm dò phóng xạ và hoàn thiện Quy phạm Kỹ thuật thăm dò điện và từ mặt đất, Tiêu chuẩn nước khoáng Việt Nam; Quy trình công nghệ tìm kiếm nước dưới đất trong hang karst, đứt gãy, đới dập vỡ nứt nẻ bằng tổ hợp phương pháp địa vật lý; xây dựng Tiêu chuẩn Ngành "Quy trình công nghệ Địa vật lý tìm kiếm quặng vàng gốc, đồng và chì kẽm ở Việt Nam"... Ngoài ra, hàng năm, Viện đã tổ chức các lớp đào tạo sau đại học nhằm nâng cao kiến thức địa chất theo hướng cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ của Địa chất học hiện đại; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, cũng như đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước.

Hướng tới mục tiêu phục vụ chiến lược phát triển bền vững

Phát huy truyền thống 45 năm, thời gian tới, cùng với việc thực hiện Chương trình hành động KHCN về lĩnh vực Địa chất - Khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2015, Viện NCĐC&KS đang hướng các hoạt động nghiên cứu - triển khai KHCN của mình để tập trung giải quyết một loạt nhiệm vụ chủ yếu: Nghiên cứu cấu trúc địa chất, kể cả các tầng cấu trúc ẩn sâu; nghiên cứu quy luật sinh khoáng với vai trò đi trước một bước phục vụ cho việc xác lập các nhiệm vụ đánh giá, tìm kiếm - thăm dò tài nguyên khoáng sản; Nghiên cứu, đánh giá định lượng khả năng đảm bảo dự trữ tài nguyên khoáng sản, góp phần phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quán triệt chủ trương bên cạnh nghiên cứu cơ bản, đẩy mạnh nghiên cứu địa chất ứng dụng; Hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường, dự báo và đề xuất các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do các tai biến địa chất gây ra, hướng tới mục tiêu phục vụ chiến lược phát triển bền vững; Ưu tiên gia tăng hàm lượng công nghệ thông tin, toán địa chất, cũng như cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai các nhiệm vụ địa chất và dự báo tài nguyên khoáng sản; Triển khai công tác quy hoạch gắn liền với đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn và nghiệp vụ có trình độ cao; Từng bước đồng bộ hóa và hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị phân tích thí nghiệm; Duy trì và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và đào tạo với các đối tác trong nước và quốc tế, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Viện theo hướng hội nhập và phù hợp với xu thế chung của Địa chất học đương đại...

Những kết quả nghiên cứu khoa học của viện

Với kết quả đạt được từ những đề tài nghiên cứu điều tra về địa chất và khoáng sản do Viện thực hiện sau 45 năm, cấu trúc địa chất cũng như lịch sử hình thành và phát triển phần vỏ trái đất lãnh thổ Việt Nam đã dần dần được làm sáng tỏ, tạo tiền đề tiên quyết cho công tác dự báo tài nguyên khoáng sản.

 Các nghiên cứu về cổ sinh - địa tầng trên cơ sở tuân thủ một cách nghiêm ngặt "Quy phạm địa tầng Việt Nam" và "Hướng dẫn địa tầng quốc tế" của Ủy ban Địa tầng, Hiệp hội Khoa học Địa chất quốc tế (IUGS). Các bộ atlas Cổ sinh vật Việt Nam (8 tập), Hóa thạch đặc trưng ở miền Bắc Việt Nam, Hóa thạch đặc trưng miền Nam Việt Nam, tuyển tập Cổ sinh vật Việt Nam, Hệ Cambri ở Việt Nam cùng với gần 200 phân vị địa tầng từ Cambri đến Đệ tứ được phân chia đã tạo cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ một cách có hiệu quả cho công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất ở các tỷ lệ khác nhau, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu đánh giá và dự báo khoáng sản ngoại sinh.

Công trình "Thành hệ địa chất và địa động lực Việt Nam", các nghiên cứu về kiến tạo, địa mạo, trầm tích Đệ tứ... cũng được triển khai đồng thời ở những mức độ khác nhau. Bản đồ địa chất Đệ tứ tỷ lệ 1:500.000 do các nhà khoa học của Viện thành lập là một trong những công trình có tính tổng hợp cao, phục vụ cho nhiều ngành kinh tế quốc dân.

Công tác nghiên cứu địa hóa của Viện đã đưa ra hàng ngàn vành phân tán ở các bậc khác nhau, gần như phủ kín lãnh thổ, phục vụ có hiệu quả trong nghiên cứu sinh khoáng nói chung và tìm kiếm quặng mỏ nói riêng.

Công trình Bản đồ Sinh khoáng Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 do Viện thành lập và xuất bản là tạo luận cứ khoa học trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng định hướng và quy hoạch phát triển công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam từ nay đến 2020.

Việc biên soạn xuất bản công trình "Tài nguyên khoáng sản Việt Nam" (1996) và kết quả nghiên cứu đề tài: "Xác lập luận cứ khoa học, đánh giá định lượng, định hướng phát triển việc sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản Việt Nam đến năm 2020" là những công trình tổng hợp thông qua việc kiểm kê một cách có hệ thống hiện trạng tiềm năng nguồn tài nguyên khoáng sản của Đất nước. Các luận cứ khoa học được đề xuất trên cơ sở đó mang một ý nghĩa thực tế quan trọng, góp phần định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong một chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng nhất quán của Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Gần đây công trình Bản đồ địa chất Campuchia-Lào-Việt Nam tỉ lệ 1/1.500.000 và hoạt động magma Việt Nam được xuất bản là dấu ấn của một quá trình nghiên cứu địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và lân cận.

Monre

Tin cùng chuyên mục