Cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam: Bước đột phá trong điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản

65 năm qua, bằng trí tuệ, tinh thần lao động sáng tạo và yêu nghề sâu sắc, những người làm công tác địa chất (thuộc Cục ĐC & KS VN) đã dũng cảm trèo đèo, lội suối, vượt lên mọi hiểm nguy và khí hậu khắc nghiệt nơi rừng núi thâm u, chịu đựng biết bao khó khăn thiếu thốn đời thường, lập nhiều thành tích trong công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, tạo nên những khu mỏ có quy mô công nghiệp, làm khởi sắc ngành khai khoáng của đất nước.

Đặc biệt, 10 năm gần đây, với những phát hiện mới, những người làm địa chất đã tạo bước đột phá trong điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản, góp phần đáng kể nâng cao vị thế, tạo bước phát triển vững chắc cho ngành Địa chất & Khoáng sản Việt Nam trong thời hội nhập, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH& HĐH đất nước.  

Kết quả ấn tượng

Những năm qua, các Liên đoàn Địa chất thuộc Cục được rải khắp chiều dài đất nước như Liên đoàn Địa chất Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Liên đoàn Địa chất Xạ Hiếm, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam… đã hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000 với 187.500 km2, chiếm 56,8% diện tích phần đất liền. Ngoài ra, còn hoàn thành công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển tỉ lệ 1:500.000 ở vùng ven bờ đến độ sâu 30 mét nước trên diện tích 97.430 km2.

Từ năm 2003 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, các Liên đoàn đã triển khai thực hiện nhiều dự án điều tra khoáng sản, tập trung tại các vùng núi cao, điều kiện KT-XH chậm phát triển ở các tỉnh phía Bắc,  miền Trung và Tây Nguyên..Kết quả đã làm rõ tiềm năng của nhiều vùng có triển vọng khoáng sản, góp phần gia tăng đáng kể tài nguyên của quặng vàng gốc, thiếc gốc, chì kẽm, đồng, antimon, urani, fenpast, barit, graphit, mangesit, zeolit, đá vôi các loại, nguyên liệu làm xi măng và đá quý…Một số loại khoáng sản đã được nghiên cứu điều tra, đánh giá làm cơ sở phát triển nguyên liệu mới như serixit, vecmiculit, zeolit, nefelin; điều tra phát hiện nhiều mỏ mới với quy mô từ trung bình đến lớn, có giá trị kinh tế cao như mỏ đồng Tà Phời (Lào Cai), mỏ đồng Nậm Tia (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), mỏ chì-kẽm Bản Bó, mỏ ba rit Nà Ke, Chè Pẻn (huyện Bảo Lâm- Cao Bằng), các mỏ titan ở khu vực Núi Chúa (huyện Đại Từ- Thái Nguyên). Đặc biệt là phát hiện mới các sa khoáng titan trong tầng cát đỏ ven biển có tiềm năng rất lớn, phân bố ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận và Bắc Bà Rịa- Vũng Tàu.

Nâng cao vị thế ngành Địa chất Việt Nam

Những tháng ngày gian lao, vất vả của đội ngũ những nguời đi tìm tài nguyên trong lòng đất tại nhiều vùng sơn cước xa xôi ở phía Bắc cũng như vùng ven biển đầy gió cát miền Trung và Tây Nguyên bao la…đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, những phát hiện mới đầy triển vọng cho bước phát triển của ngành Địa chất nước ta với việc khẳng định Việt Nam là đất nước giàu khoáng sản, ẩn chứa một số loại khoáng sản có tổng tài nguyên, trữ lượng lớn, đủ điều kiện để tổ chức khai thác, chế biến theo quy mô công nghiệp, trong  thời gian dài như : bau xit, titan zircon, đất hiếm, than, apatit và một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đá trắng, cát trắng, đá vôi, nước khoáng, nước nóng…

* Quặng bauxit ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) và các tỉnh Bình Phước,  Phú Yên. Diện tích phân bố quặng bauxit khu vực Tây Nguyên khoảng 18.500 km2, trong đó diện tích đã điều tra đánh giá, thăm dò khoảng 3.900 km2 với tổng tài nguyên và trữ lượng khoảng 5,4 tỉ tấn quặng nguyên khai. Nếu được điều tra, đánh giá đầy đủ diện tích còn lại, tổng tài nguyên quặng bauxit có thể đạt trên 10 tỉ tấn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về quặng bauxit. Ngoài ra một số điểm quặng bauxit phân bố rải rác ở các tỉnh phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang).

* Quặng titan-zircon ở Việt Nam gồm 2 loại hình quặng gốc và quặng sa khoáng. Quặng gốc tập trung tại tỉnh Thái Nguyên, quặng sa khoáng tập trung ở vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bà Rịa- Vũng Tàu. Tổng tài nguyên, trữ lượng quặng titan của Việt Nam  tính đến năm 2008 khoảng 100 triệu tấn.

Từ năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN & MT, Cục ĐC&KS Việt Nam đã triển khai thực hiện đề án " Điều tra đánh giá quặng titan zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa- Vũng Tàu" trên tổng diện tích 1460 km2. Hầu hết các Liên đoàn thuộc Cục đều vào cuộc; trong đó, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức điều hành thi công đề án. Kết quả điều tra trên diện tích 1460 km2, dự báo tổng tài nguyên đạt trên 500 triệu tấn; nâng tổng tài nguyên quặng titan zircon của nước ta lên 650 triệu tấn. Như vậy, Việt Nam trở thành nước có tiềm năng quặng titan zircon thuộc hàng đầu thế giới, đủ cơ sở để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu quặng titan hàng trăm năm. Kết quả thi công đề án hoàn toàn phù hợp với dự báo của Cục ĐC&KS Việt Nam và Bộ TN&MT về triển vọng loại khoáng sản này trên diện tích công tác, phù hợp với Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 144/TB-VPCP ngày 234/6/2008 là: "Quặng titan zircon là tài nguyên có giá trị lớn của nước ta, qua báo cáo của Bộ TN & MT cho thấy, có cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp có quy mô lớn và đồng bộ về khai thác, chế biến ra các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao."

* Quặng Litium: Quá trình triển khai đề án "Đánh giá triển vọng quặng thiếc và kim loại hiếm (Ta, Li, Be) vùng La Vi - Quảng Ngãi", năm 2009 Cục ĐC&KS Việt Nam đã phát hiện  mỏ khoáng sản kim loại hiếm liti. Kết quả cho thấy, quặng liti hàm lượng đạt (khoảng 0,5%), tài nguyên trữ lượng dự báo 10.000 tấn. Đây là một phát hiện đầu tiên về kim loại hiếm ở nước ta, kể cả khu vực Đông Nam Á và có ý nghĩa lớn về mặt khoa học, kinh tế, mở ra tiền đề tìm kiếm phát hiện các mỏ kim loại hiếm khác trên những vùng có cấu trúc địa chất tương tự ở khu vực Trung Trung Bộ. Mỏ có quy mô trung bình, chất lượng khá.

* Quặng sắt Laterit: Cuối năm 2009, đầu năm 2010, Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ đã phối hợp với Phòng Địa chất khảo sát thực địa tại 662 vị trí thuộc các tỉnh Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông và Lâm Đồng, lấy 192 mẫu laterit. Kết quả điều tra đã phát hiện mới quặng sắt laterit có trữ lượng lớn ở Tây Nguyên. Quặng sắt laterit là các tảng, các mảnh vụn kiểu liên kết vón dạng xỉ, một số nơi là đới kết tảng cứng chắc. Tỉ lệ thu hồi mảnh vụn laterit, chủ yếu lớn hơn 50%. Theo các kết quả điều tra sơ bộ, diện tích có khả năng sinh quặng sắt laterit Tây Nguyên khoảng  2000 km2. Tài nguyên dự tính có thể đạt tới 2 tỉ tấn quặng sắt với điều kiện khai thác thuận lợi. Theo phân loại của các nhà luyện kim đen, quặng laterit vùng Gia Lai thuộc loại quặng sắt nghèo có hàm lượng sắt 30-40%, có thể chế biến để sản xuất gang.

Đây là nguồn tài nguyên chiến lược với tổng tài nguyên lớn, có khả năng chế biến thành quặng sắt cho mục đích luyện kim đen, góp phần quan trọng đảm bảo nguồn nguyên liệu khoáng để phát triển ngành luyện kim đen quy mô lớn và bền vững ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép và góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên.

* Khoáng sản Urani có quy mô trung bình nhưng  thuộc loại khoáng sản chiến lược ở nước ta có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Việt Nam. Kết quả công tác nghiên cứu địa chất và tìm kiếm khoáng sản đã phát hiện khoáng hóa Urani ở khu  vực Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên; trong đó, tập trung chủ yếu tại vùng Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Đến nay, cả nước đã có  6 mỏ Urani được đánh giá và thăm dò với trữ lượng 18.750 tấn U3O8.Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 218.000 tấn; riêng vùng Nông Sơn dự báo khoảng 11.000 tấn, là cơ sở để xây dựng kế hoạch nội địa hóa nguồn nguyên liệu phục vụ các dự án nhà máy địên hạt nhân.

* Tài nguyên Than: Đến nay cả nước có 67 mỏ than (chưa kể các mỏ, điểm quặng than bùn). Than phân bố tập trung chủ yếu ở bể than Quảng Ninh và bể than đồng bằng sông Hồng, ngoài ra còn có rải rác tại một số tỉnh khác.

Theo "Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn đến 2015, có xét triển vọng đến 2025" đang trình Thủ tướng Chính phủ, tổng tài nguyên và trữ lượng than (tính đến 1/1/2008) khoảng 40,93 tỉ tấn; riêng bể than Quảng Ninh tổng tài nguyên, trữ lượng khoảng 10 tỉ tấn. Theo Báo cáo nghiên cứu tổng kết địa chất và độ chứa than miền võng Hà Nội (đồng bằng sông Hồng) được Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất phê duyệt tại Quyết định số 455/ĐC-KS ngày 25/11/1986, tổng tài nguyên than nâu đến độ sâu 3.054 m dự kiến đạt 211,32 tỉ tấn (mức độ điều tra còn rất thấp, than phân bố chủ yếu ở độ sâu lớn từ 100m đến 2.100m, điều kiện khai thác không thuận lợi). Kết quả điều tra cho thấy, tiềm năng, trữ lượng than Việt Nam khoảng 220 tỉ tấn, là một trong các quốc gia có tiềm năng tài nguyên than lớn trên thế giới.

n Quặng Đất hiếm: Phân bố tập trung ở các mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lao Cai), Yên Phú (Yên Bái).

Theo kết quả thống kê đến năm 2008, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 9,5 triệu tấn,  tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu (trên 90%). Năm 2009, Cục ĐC&KS Việt Nam đã hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nhật Bản, phát hiện thêm 2 điểm có triển vọng quặng đất hiếm tại Lào Cai, Yên Bái. Như vậy, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về loại quặng đất hiếm.

Sôi động hoạt động khoáng sản

Kết quả công tác điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên khoáng sản của Cục ĐC & KSVN 65 năm qua, đặc biệt là một số phát hiện mới những năm gần đây đã làm sôi động các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên phạm vi cả nước.

Từ tháng 9/1996 đến nay, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cấp, gia hạn 366 giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, còn có 38 giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước tháng 9/1996 đang còn hiệu lực. Đến tháng 6/2009  có 3.882 giấy phép khai thác do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp đang hoạt động; trong số đó có 82% là giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn là 16%, số còn lại khai thác các loại khoáng sản khác và khai thác tận thu.

Cả nước đã hình thành và phát triển một số ngành khai khoáng lớn như : Dầu khí, than, kim loại đen, kim loại màu, vật liệu xây dựng, hóa chất - phân bón. Sản lượng  khai thác, vốn đầu tư, số lượng doanh nghiệp và lao động trong công nghiệp khai thác mỏ, chế biến khoáng sản tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Theo đó, một số Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Khai khoáng của Nhà nước đã hình thành, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới của đất nước như Tập đoàn Dấu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam…Nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang tăng quy mô đầu tư, mở rộng sản xuất, thị trường trong và ngoài nước.Tỉ trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường trong các hoạt động khoáng sản gia tăng.

Tăng cường đầu tư cho các hoạt động điều tra địa chất về tài nguyên khoáng sản

Đó là mong ước chính đáng của những người làm địa chất, những người yêu nghề, sẵn sàng chấp nhận, chịu  đựng mọi khó khăn, thách thức của thiên nhiên và cuộc sống đời thường… để bền bỉ tìm kiếm, đánh giá nguồn tài nguyên ẩn sâu trong lòng đất vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh.

Thực tế cho thấy, do "lực bất tòng tâm", công tác điều tra địa chất khoáng sản còn chậm và hạn chế; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều tra, đánh giá khoáng sản mới chỉ dừng lại ở phần trên mặt đất hoặc đến độ sâu từ 50 đến 100 m trên một số diện tích hạn chế do công tác đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động điều tra địa chất khoáng sản còn chậm và chưa đồng bộ. Kinh phí Nhà nước cấp hằng năm mới chỉ đáp ứng từ 50-52% so với yêu cầu thực thi các nhiệm vụ  của ngành. Với kinh phí như vậy, không thể hoàn thành mục tiêu của "Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2010, định hướng 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 116/2007/QĐ-TTg ngày 23/7/2007.

Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ở nước ta nhìn chung còn ở trình độ thấp, chưa khai thác triệt để, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên. Số lượng các dự án chế biến sâu khoáng sản chưa nhiều, trình độ công nghệ chưa cao, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi.

Một số đề xuất

Theo Cục ĐC&KS Việt Nam, để đánh giá đầy đủ tiềm năng khoáng sản, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho trước mắt và lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

- Sửa đổi toàn diện Luật khoáng sản (sửa đổi), tập trung thể chế hóa chủ trương "Kinh tế hóa" lĩnh vực địa chất, khoáng sản, chuyển mạnh từ cơ chế "xin cho" sang cơ chế đấu giá, đấu thầu hoạt động khoáng sản nhằm tăng thu cho ngân sách và tái đầu tư cho lĩnh vực điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản; quy định chặt chẽ hơn điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành khoáng sản; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rà soát để phân công, phân cấp một cách hợp lý trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động này.

- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản đáy biển để tìm kiếm, phát hiện thêm mỏ mới; đồng thời xây dựng và phát triển các đơn vị điều tra, đánh giá địa chất- khoáng sản có trình độ chuyên môn cao, có năng lực và thiết bị hiện đại. Củng cố, hoàn thiện và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương theo hướng tập  trung tinh gọn, đủ về số lượng, mạnh về chất lượng với cơ cấu tổ chức hợp lý để quản lý tốt, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

- Trước mắt, tiến hành rà soát các dự án chế biến khoáng sản, nhất là khoáng sản kim loại (quặng titan, chì , kẽm, crômit, sắt…) để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, tránh tình trạng đầu tư tràn lan các nhà máy chế biến khoáng sản như hiện nay.

Sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ là động lực giúp CBCNV Cục ĐC&KS Việt Nam, nhất là những nguời đi tìm mỏ có thêm niềm hứng khởi trong cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng rất đỗi vinh quang, góp phần đưa ngành Địa chất Việt Nam lên tầm cao mới và đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Monre

Tin cùng chuyên mục