,

Đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia để hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.

 

Chiều 1/11, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy mạnh thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia để hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.

Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương

dai-bieu-ly-thi-lan-doan-dbqh-tinh-ha-giang-day-manh-thuc-hien-chuong-trinh-chuyen-doi-so-quoc-gia.jpg

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, cử tri tin tưởng và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành quyết liệt hơn. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả thực chất, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Đại biểu cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong quá trình thực hiện đã tạo ra sự phát triển đột phá về công nghệ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tập trung triển khai với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của dữ liệu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở địa phương đang gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập, còn nhiều thiếu thốn về vật tư, thiết bị, nhân sự, công nghệ. Với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều người chưa có điện thoại di động, khả năng tiếp cận thông tin còn khó khăn.

z4838710786433_70b05cc8f22be9a59295b8637f59033e.jpg

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Giang tại phiên họp chiều 1/11

Đại biểu cũng cho biết, việc triển khai hệ thống thông tin giữa trung ương và địa phương chưa đồng bộ, còn trùng lặp, dẫn đến trường hợp địa phương phải dừng triển khai để thay thế, nâng cấp, kết nối đồng bộ với trung ương. Có những hệ thống thông tin dùng chung trong hệ thống chính trị nhưng mỗi nơi sử dụng một phần mềm khác nhau, gây lãng phí, chậm triển khai chuyển đổi số.

“Để đẩy mạnh triển khai một cách hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ thể chế, nhân lực số, kết nối các cơ sở dữ liệu, quyết liệt triển khai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ trung ương đến địa phương, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch, sống theo thời gian thực.” – Đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị.

Cần rà soát việc đầu tư nguồn lực nhà nước trong xây dựng ứng dụng phục vụ chuyển đổi số

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định doanh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện, góp phần lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình kinh tế, xã hội của nước ta, điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.

dai-bieu-dang-thi-bao-trinh-doan-dbqh-tinh-quang-nam-can-ra-soat-viec-dau-tu-nguon-luc-nha-nuoc-trong-xay-dung-ung-dung-phuc-vu-chuyen-doi-so.jpg

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay tồn tại quá nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân: VnID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử… Các hình thức triển khai có thể là giới thiệu, khuyến khích, bắt buộc người dân tham gia. Vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng, nên quá trình tương tác, hướng dẫn ít nhiều gây phiền hà cho người dân, gây tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng. Một số phần mềm, ứng dụng vận hành không tốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Cần đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.

Ngoài ra, việc có quá nhiều phần mềm triển khai đến người dân khiến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin công dân như địa chỉ, số điện thoại, nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. Đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục