,

Cải cách hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm - Bài 2: Hóa giải “điểm nghẽn”

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh thời gian qua đã có những bước tiến rõ rệt, quy trình ngày càng tinh gọn và hiệu quả hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn được tỉnh ta quan tâm thực hiện nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

“Điểm nghẽn”...

Theo thống kê từ Sở Nội vụ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn, đúng hạn của các cơ quan nhà nước đạt tỷ lệ 99%, đối với các hồ sơ quá hạn đều có thư xin lỗi của cơ quan tới người dân, tổ chức theo đúng quy định; số hóa hồ sơ, giấy tờ khi tiếp nhận các TTHC đạt tỷ lệ 95,6%; số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ 76,3%.

Xã Hùng Lợi, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn, đang nỗ lực cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Anh Ma Văn Linh, cán bộ Bộ phận một cửa, UBND xã Hùng Lợi, cho biết thời gian qua, xã đã áp dụng nhiều giải pháp cải cách hành chính, tuy nhiên, do đặc thù địa lý và điều kiện khó khăn, việc tiếp cận công nghệ và chuyển đổi số của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện các quy trình nộp hồ sơ trực tuyến gặp khó khăn. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và đường truyền Internet chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng chậm trễ và quá hạn trong giải quyết TTHC. Ngoài ra, một số TTHC mới, đặc biệt là liên quan đến đất đai, chưa đồng bộ, khiến cả cán bộ và người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cán bộ Bộ phận một cửa, UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn) hỗ trợ người dân thực hiện TTHC.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, hiện các công chức, viên chức của Trung tâm đã thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC đạt tỷ lệ gần 96%; số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ trên 74,1%. Tuy nhiên, một số TTHC vẫn chưa thể thực hiện số hóa kết quả, như thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe của Sở Giao thông Vận tải và các thủ tục liên quan đến thành lập, hoạt động doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, do các quy trình này thực hiện trên hệ thống phần mềm của ngành dọc. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, một số TTHC còn phức tạp do Luật Đất đai mới áp dụng 1-8, việc phân cấp xử lý và tiếp nhận hồ sơ, nhiều mẫu biểu thay đổi nên người dân chưa được cập nhật kịp thời. Đặc biệt, tình trạng nghẽn mạng khi kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đáng kể đến quá trình xử lý TTHC.

Trong quá trình đi thực tế, phóng viên cũng tiếp nhận một số ý kiến phản hồi từ các công chức ở trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và UBND các huyện, xã, phường, thị trấn. Hầu hết cho rằng: Một số cơ quan, đơn vị triển khai việc kiểm soát, giải quyết thủ tục hành chính còn hình thức, chưa thực chất; chậm giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính còn khó khăn; việc triển khai các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số có mặt còn chậm chưa đạt tiến độ, yêu cầu đề ra... Cùng với đó, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế...

Hóa giải “điểm nghẽn”

Để khắc phục những “điểm nghẽn” giải quyết TTHC, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp.

Xã Thái Hòa (Hàm Yên) có 22 thôn với gần 10.000 nhân khẩu, nhu cầu giải quyết hồ sơ TTHC lớn, nhưng tỷ lệ giải quyết của xã luôn đạt 100% đúng hẹn; 100% hồ sơ TTHC của người dân trong xã đã nộp trực tuyến. Đồng chí Tống Huy Thật, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, xã đã lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo mục tiêu 100% hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công; đội ngũ cán bộ, công chức của xã được bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tại bộ phận “một cửa, một cửa liên thông” đáp ứng nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và công dân khi đến giải quyết các TTHC. Đồng thời, các TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ các trình tự thủ tục, thời gian, phí, lệ phí để công dân biết; xã phối hợp với các Tổ Công nghệ số cộng đồng, Đoàn xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tự thực hiện các bước TTHC…

Năm 2023, huyện Lâm Bình đứng thứ nhất trong các huyện, thành phố về chỉ số cải cách hành chính. Để tiếp tục duy trì, nâng cao chỉ số này trong năm 2024 và quyết tâm xây dựng chính quyền số, UBND huyện đã quyết liệt, sát sao, gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ này. Đồng thời, công khai minh bạch tất cả thủ tục, hồ sơ, tiếp nhận 100% hồ sơ qua Cổng dịch vụ công; rà soát hoàn thiện các dịch vụ đã được cung cấp... Nhờ vậy, đến đầu tháng 9-2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua Cổng dịch vụ công luôn đạt trên 99%; số hóa 735/791 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92,92%; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính 673/726 hồ sơ, đạt 92,7%.

Phát biểu tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2023 vào tháng 6 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, tỉnh Tuyên Quang xác định công tác cải cách hành chính là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số gắn với Đề án 06; hoàn thành và đưa vào sử dụng Cổng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối các dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của toàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, khai thác; phần mềm số hóa kết quả giải quyết TTHC, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Các cấp, các ngành của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về cải cách hành chính; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ và thông tin. Đồng thời, gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác thiết lập tài khoản VneID để nộp hồ sơ trực tuyến...

Cải cách TTHC nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện môi trường đầu tư và phục vụ người dân tốt hơn. Mặc dù còn nhiều thách thức và điểm nghẽn, nhưng với sự quyết tâm của các cấp, ngành và việc triển khai các giải pháp phù hợp, Tuyên Quang sẽ vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Dương Châu

(còn tiếp)  

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục