,

Vì sự an toàn của Nhân dân

Thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Năm 2022, với sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Tổng cục KTTV đã giữ vững sự chủ động trong mọi tình huống, góp phần mang lại an toàn cho người dân trong các đợt thiên tai nguy hiểm.

 

Kịp thời, chính xác, hiệu quả
Năm 2022, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV luôn chủ động chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KTTV do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao và các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục, đã có những định hướng rõ nét trong công tác quản lý cũng như phát triển ngành KTTV. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần được hoàn thiện, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác quản lý các hoạt động KTTV trên phạm vi toàn quốc.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, năm 2022, công tác quan trắc, dự báo và thông tin KTTV luôn được thực hiện nghiêm túc, tin cậy, kịp thời. Công tác tuyên truyền về tình hình dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh. Chủ động vận dụng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về công tác KTTV theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW với việc kêu gọi sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của các cấp chính quyền và nhân dân cả nước; tuyên truyền về vai trò và sự chủ động của Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở trong nước, khu vực và thế giới.
Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được Tổng cục quan tâm, nhằm phục vụ hiệu quả sự an toàn của nhân dân, nhất là trước các sự kiện lớn của đất nước. Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong năm 2022, Trung tâm đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình KTTV trên phạm vi cả nước. Theo dõi và dự báo 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó, các cơn bão số 1, 3, 4, 5 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 17 đợt không khí lạnh; 14 đợt nắng nóng; 26 đợt mưa lớn trên diện rộng; 16 đợt lũ trên phạm vi cả nước. Theo dõi, dự báo kịp thời xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ. Thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho các lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đối với công tác quản lý mạng lưới trạm KTTV quốc gia, Tổng cục đã chỉ đạo các Đài KTTV khu vực thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng máy, thiết bị quan trắc KTTV, hải văn; chuẩn bị đầy đủ máy, thiết bị dự phòng thay thế; đảm bảo quan trắc tốt, ổn định phục vụ công tác dự báo KTTV trong mùa mưa, bão, lũ năm 2022. Công tác kiểm tra thi hành pháp luật KTTV được Tổng cục đẩy mạnh trong năm 2022. Theo đó, Tổng cục KTTV được Bộ TN&MT phê duyệt kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về KTTV tại tỉnh Hà Giang và chấp thuận Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật KTTV tại 11 tỉnh, tập trung vào các đối tượng: UBND cấp tỉnh; các chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Vườn Quốc gia; các chủ đầu tư dự án, các cơ quan thẩm định, thẩm tra dự án phát triển kinh tế - xã hội có sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV đã ban hành các Quyết định thành lập đoàn kiểm tra và đã kiểm tra tại 11 tỉnh nêu trên.
Về công tác đối ngoại, trong năm 2022, Tổng cục KTTV đã hoàn thành các nhiệm vụ hợp tác quốc tế đề ra thông qua trao đổi trực tiếp và trực tuyến. Duy trì, đảm bảo thông suốt hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban Bão, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN; các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Phần Lan,… Tổng cục đã tổ chức đón tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm và làm việc tại Tổng cục KTTV và được sự ghi nhận của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về những nỗ lực trong dự báo, cảnh báo giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong nước, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho khu vực Đông Nam Á, thể hiện vai trò năng động của Việt Nam trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc với Tổng cục KTTV là sự kiện quốc tế nổi bật của Tổng cục KTTV trong năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Ứng dụng công nghệ mới trong dự báo
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Điển hình là việc Tổng cục chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, nên việc kiểm tra thi hành pháp luật KTTV tại các địa phương chưa đạt hiệu lực, hiệu quả theo yêu cầu công tác đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế - xã hội theo tình hình mới; phần lớn các chủ công trình chưa thực hiện cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV cho hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia theo quy định. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về dự báo tác động, cảnh báo thiên tai chưa có nhiều nguồn lực để thực hiện.
Trong bối cảnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, năm 2023, Tổng cục xác định tiếp tục rà soát hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật KTTV và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực thi hiệu quả Luật KTTV, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KTTV; tập trung đẩy nhanh tiến độ việc lập quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; triển khai Chiến lược phát triển ngành KTTV giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Trình cơ quan có thẩm quyền xem xét về việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của Tổng cục KTTV theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022.
Đối với công tác dự báo, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong năm 2023, Trung tâm sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn... phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị. Nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa bằng giải pháp tăng cường khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các nguồn thông tin dự báo, đặc biệt là dự báo của mô hình khu vực độ phân giải cao; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong bài toán dự báo định lượng mưa.
Trong hợp tác quốc tế, ông Trần Hồng Thái cho biết, Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả các biên bản hợp tác quốc tế đã được ký kết với các đối tác song phương và đa phương. Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện kế hoạch hiện đại hóa ngành KTTV thông qua việc triển khai thực hiện những dự án, chương trình hợp tác với các hợp tác song phương với: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á; Chương trình MAHASRI, SOWER/Pacific và các hợp tác khác như Na Uy, Phần Lan, Anh Quốc, Nhật Bản, Ý. Mở rộng hợp tác với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản trong các lĩnh vực dự báo thời tiết nguy hiểm, dự báo thời tiết mô hình số, dự báo KTTV biển, dự báo khí tượng hạn dài, vệ tinh khí tượng.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục