,

Họp Thường kỳ UBND tỉnh tháng 3

Ngày 23-3, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ tháng 3, đánh giá thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh quý I. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì kỳ họp. Dự họp có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên dự họp tập trung thảo luận về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong quý I của tỉnh đang chậm tiến độ, đạt thấp, làm rõ nguyên nhân việc đạt thấp, chậm so với kế hoạch, đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Trọng tâm, làm rõ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, sản xuất công nghiệp đạt thấp so kế hoạch năm, thu chi ngân sách nhà nước giảm 24%, nguyên nhân do đâu…

 

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3.
Ảnh: Quang Hòa

Tốc độ phát triển chưa như kỳ vọng

Trong quý I, dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, nỗ lực của các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã thực hiện cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Tỉnh hoàn thành phân bổ chi tiết vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao; lãnh đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai các dự án thi công một số công trình trọng điểm của tỉnh như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội bài - Lào Cai; dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; nhà công vụ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…

Tỉnh đã tổ chức khởi công xây dựng Trường THPT Chuyên tại địa điểm mới. Đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 200 tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch, còn trên 2.800 tỷ đồng chưa giải ngân. Chưa đáp ứng được kế hoạch đề ra. Thu ngân sách quý I trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 591 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch, giảm 24 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 573 tỷ đồng, đạt 18,1% kế hoạch.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I. Ảnh: Quang Hòa

Sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới đảm bảo kế hoạch đề ra; ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến gỗ; ban hành kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023; thẩm định hồ sơ thẩm định 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Ngành Công Thương đã đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đã được phê duyệt trong quy hoạch, tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có quy mô lớn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.421 tỷ đồng, đạt 21,7% kế hoạch, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Một số sản phẩm tăng như thép tăng 100%, giấy tăng 23,7%, gỗ tinh chế tăng 15%. Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ bột barite giảm 50,5%, giấy xuất khẩu giảm 33%, đường  kính giảm gần 22%.

Thảo luận về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hộ quý I, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu đạt thấp như giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, sản xuất công nghiệp…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt thảo luận về lĩnh vực tài nguyên, đất đai. Ảnh: Quang Hòa

Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong quý II, mỗi ngành, mỗi địa phương cần nỗ lực hơn rất nhiều, đánh giá sát từng chỉ tiêu, có kịch bản, kế hoạch cụ thể, chi tiết cho các lĩnh vực, bằng mọi biện pháp quý II phải đạt được 50% các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 để chuẩn bị cho việc đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu, có chính sách thu hút, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trẻ có trình độ tham gia phát triển địa phương. Ngay trong tháng 4, các ngành, địa phương tập trung cao độ phát triển du lịch; an toàn giao thông, an ninh trật tự và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm tốt công tác giải quyết đơn thư của công dân.

Hỗ trợ 1.675 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo huyện Na Hang, Lâm Bình

Kỳ họp xem xét đề nghị phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ 1.675 hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Na Hang, Lâm Bình. Trong đó, số hộ nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa là 1.528 hộ, 147 hộ cận nghèo. Tổng nguồn vốn thực hiện trên 189 tỷ đồng.

Đảm bảo nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với tiêu chí “3 cứng” là móng - nền cứng; khung - tường cứng; mái cứng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc hỗ trợ cho 100% hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở trong danh sách theo Đề án và số phát sinh mới không quá 5%. Đảm bảo đối tượng tham gia chương trình có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo từ 23,45% xuống 9,99 % giai đoạn 2021-2025. Đề án được các đại biểu nhất trí thông qua.

Kỳ họp xem xét phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tiền cho thuê đất dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tại xã Tân Trào (Sơn Dương); dự thảo Nghị quyết phân bổ bổ sung vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 và nhiều nội dung quan trọng khác… 

Theo: Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục