,

Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 10

Sáng 13-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (khóa XVII).
 

11h45: Bế mạc hội nghị

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu kết luận và bế mạc hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được; xác định cụ thể, chính xác những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, các nghị quyết, chương trình, đề án… của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. 

Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chưa hoàn thành, thu hút đầu tư và triển khai các dự án mới. Chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hướng tới sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm OCOP nhiều hơn, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn  mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải nâng vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn được giao. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tài chính thu ngân sách, công tác quản lý đất đai, khoáng sản, lâm sản, bảo vệ môi trường… thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bằng sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa đối với công việc được giao. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tại ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời giải quyết những khó khăn, xử lý những vấn đề nảy sinh.

11h20: Quán triệt các văn bản của Trung ương

Đồng chí Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh quán triệt Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luận chuyển cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Hồng Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quán triệt Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/07/2022 của Bộ Chính trị về Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

9h30: Hội nghị thảo luận

Gợi ý thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những chỉ tiêu còn đạt thấp, nhất là về quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đồng chí đề nghị làm rõ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương cho biết, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt cao nhất trong 5 năm qua. Giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có một số sản phẩm không đạt so với kế hoạch, cơ bản là sản phẩm xuất khẩu. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động vận tải biển gặp khó khăn. Cùng với đó, một số nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng máy móc. Từ nay đến cuối năm, ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp đề ra. Ngành tham mưu cho UBND tỉnh tham mưu ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ sản xuất công nghiệp, các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với lĩnh vực thương mại, khuyến công ngành sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ khuyến công; tổ chức các hội chợ thương mại, du lịch.

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng và đạt kế hoạch. Về hạn chế đối với phát triển các sản phẩm OCOP, ngành cũng đang nỗ lực để nâng cao chất lượng các sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời xây dựng thêm các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Đồng thời đang triển khai các giải pháp hình thành, xây dựng chuỗi liên kết các sản phẩm OCOP.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Thế Hùng nêu, trong 6 tháng đầu năm nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm việc triển khai các chính sách giảm thu của Trung ương để hỗ trợ người dân thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cũng có tác động đến thu ngân sách của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu thu ngân sách cuối năm, ngành Thuế sẽ tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố bám sát các nguồn thu để thực hiện. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án kịp thời theo kế hoạch để tạo nguồn thu; các huyện, thành phố ngay trong quý III triển khai đấu giá thu quyền sử dụng đất đảm bảo dự toán được giao. Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp thu, quản lý thu đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Trần Viết Cương đã làm rõ tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Đối với địa phận tỉnh Phú Thọ tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, có hơn 90 hộ chưa nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ban cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Phú Thọ đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thông tuyến. 

Đối với đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đến nay đã hoàn thành nội dung phê duyệt chủ trương đầu tư, nỗ lực đến cuối năm sẽ khởi công theo dự kiến. Các dự án giao thông khác đang tích cực được triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Mạnh Duyệt đề nghị các huyện, thành phố chú trọng thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình dự án. Một số dự án chậm bồi thường giải phóng mặt bằng do chậm khảo sát xây dựng các khu tái định cư. Ngoài ra, chậm xây dựng hạ tầng một số khu vực bán đấu giá, tái định cư cũng gây khó khăn trong bán đấu giá quyền sử dụng đất. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Những bất cập trong hoạt động Văn phòng đăng ký đất đai, ngành sẽ có đánh giá lại hoạt động, tăng cường bổ sung nguồn nhân lực trong thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Âu Thị Mai cho biết, ngành sẽ tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và Lễ hội thành Tuyên năm 2022, các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch.

Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Vũ Đình Hưng cho biết, năm học vừa qua gặp nhiều khó khăn khi phần lớn thời gian phải học online. Nhưng bằng sự nỗ lực, năm học 2021-2022 đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Ngành cũng triển khai thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học; quan tâm tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, khó khăn của ngành là thiếu hơn 5 nghìn biên chế, cơ sở vật chất phòng học bộ môn còn thiếu rất nhiều. Ngành đang chuẩn bị các điều kiện triển khai tốt nhất nhiệm vụ năm học 2022-2023, nhất là sách giao khoa, phòng học tin học.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Hàm Yên Mai Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, huyện Hàm Yên đã cơ bản hoàn thiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn. Với các công trình dự án, đặc biệt là dự án đườn cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành để dự án được triển khai thuận lợi nhất. Đồng chí đề nghị tỉnh sớm ban hành các chỉ tiêu thành phần trong xây dựng nông thôn mới theo quy định mới của Trung ương; các sở, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam sành Hàm Yên.

Đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy nêu, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án của tỉnh. Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện tốt công tác thu ngân sách. Đối với những công trình, dự án đầu tư của tỉnh, của thành phố chậm so với kế hoạch, đồng chí đề nghị các ngành liên quan phối hợp làm tốt  công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai…

9h10: Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Báo cáo về Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã được HĐND tỉnh và Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có chiều dài thiết kế 77,2 km, điểm đầu từ nút giao QL 2D với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ thuộc địa phận xã Nhữ Khê (Yên Sơn), điểm cuối Km 77+200 thuộc địa phận xã Bạch Xa (Hàm Yên) khớp nối với đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự kiến dự án khởi công quý IV năm 2022, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Đại biểu dự hội nghị.

8h55: Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

8h40: Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm làm Trưởng Ban. Đồng thời trình bày báo cáo hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh sau khi thành lập từ tháng 7 - 2022 đến nay.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tuyên Quang có 15 thành viên. Các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh. Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh là Ban Nội chính Tỉnh ủy. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tuyên Quang thực hiện theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh là: 02073987987

Đại biểu dự hội nghị.

8h25: Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phạm Văn Lương trình bày báo cáo.

Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy các cấp đã thực hiện 137 cuộc kiểm tra đối với 388 tổ chức đảng và 84 cuộc kiểm tra với 207 đảng viên; giám sát 72 cuộc đối với 146 tổ chức đảng và 63 cuộc đối với 225 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; đồng thời, chủ động triển khai thực hiện toàn diện, có chất lượng chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 và nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Ủy ban Kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện 13 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 14 tổ chức đảng và 17 cuộc kiểm tra đối với 29 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng và 92 đảng viên.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị.

8h10: Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù dịch bệnh, thời tiết diến biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng tăng cao, song Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các nhiệm vụ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 8,08%, Tuyên Quang xếp thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc, 20/63 tỉnh, thành phố). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,77%, công nghiệp và xây dựng tăng 12,03%, khu vực dịch vụ tăng 7,48%. Thu ngân sách nhà nước đạt 50,3% kế hoạch, tăng 13,4% so với cùng kỳ; môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh được nâng lên; huy động, tập trung nguồn lực triển khai, xây dựng nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh… Các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền diễn ra phong phú; lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm có nhiều chuyển biến; dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng được củng cố, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng; hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

8h00: Khai mạc hội nghị

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá toàn diện kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dự báo chính xác tình hình, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm để tổ chức thực hiện hoàn thành vượt kế hoạch các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và năm 2022.


Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại biểu các ban Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục