,

ĐBQH Ma Thị Thúy thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Sáng 31-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu thảo luận, đề xuất một số giải pháp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của đất nước
 

Đại biểu thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các báo cáo đã đánh giá cơ bản, đầy đủ, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, nhờ sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và doanh nghiệp. Năm 2022, nước ta cơ bản đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về tỉnh hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại và yếu tố bất lợi xuất hiện những tháng đầu năm 2023 tác động đến mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu chỉ tiêu năm 2023 như: Động lực chủ yếu cho tăng trưởng gặp khó khăn và giảm nhiều so với cùng kỳ. Đầu tư công triển khai chậm, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch; tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp nhất là đối với các nước lớn.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn. Nguồn lực và sức chịu đựng của doanh nghiệp suy giảm nhiều do phải trải qua một giai đoạn có thể gọi là “suy thoái” dài.

Đại biểu dẫn chứng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 là tăng 25,1% tương ứng gần 77 nghìn doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp. Khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội, số lao động mất việc làm trong quý I/2023 là149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với Qquý I/2022.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, cần phải quyết tâm cao để thực hiện đồng bộ, thông suốt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà chính phủ đã đề ra, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp trong thời gian tới như: Sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

Theo đại biểu, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...

Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Hiện nay một trong những nút thắt lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư liên quan đến luật đầu tư công và luật đất đai. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét, sớm cho việc tách hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để đảm bảo kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến GPMB.

Các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản suất của nền kinh tế.

Đối với các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương sớm ban hành thông tư, hướng dẫn để các địa phương thực hiện; điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Nghị định 27/NĐ-CP của Chính phủ mà trong thời gian vừa qua ở hầu hết các địa phương đều vướng mắc và đã có kiến nghị.

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục