,

Toàn cảnh tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội

Tuần qua, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã có bốn ngày làm việc tập trung vào các vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước cũng như phục vụ cho mục tiêu phát triển trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho hay, kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2010 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và các địa bàn trọng điểm; an sinh xã hội được bảo đảm; lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TPHCM, tuy nhiên với số vốn đầu tư quá lớn, lại đầu tư trong một thời gian quá dài, đã khiến các ĐBQH thực sự lo lắng về dự án này.

 

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2009, các chỉ tiêu về dư nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Tính đến ngày 31/12/2009, dư nợ Chính phủ bằng khoảng 41,9% GDP, dư nợ ngoài nước bằng khoảng 38,9% GDP.

Năm 2009, trong 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra nhờ sớm ngăn chặn được suy giảm, sản xuất kinh doanh phục hồi và có bước phát triển.

Xuất khẩu tăng mạnh trong quý IV đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 57,1 tỷ USD, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 vẫn đạt 442,34 nghìn tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán và tăng khoảng 51,69 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 584,70 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với dự toán và tăng 51,69 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết: trong các tháng đầu năm 2010 Nền kinh tế tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của quý 1/2009.

Cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều đạt nhiều kết quả tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I tăng 13,6%, gấp nhiều lần so với quý I/2009 (2,1%) và cao hơn kế hoạch năm đề ra là 12%; giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao. Bảo đảm được cân đối thu, chi ngân sách nhà nước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt gần 159 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán cả năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng tới 48,4%. Bốn tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt 26% kế hoạch cả năm, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tăng đáng kể năng lực sản xuất và phục vụ cho nền kinh tế.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có làm tăng gánh nặng nợ quốc gia?

Ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe báo cáo về dự án ĐSCT Hà Nội - TP.HCM và dành hẳn buổi chiều 21/5 để bàn về dự án này.

Tờ trình của Chính phủ nêu 4 phương án đầu tư đường sắt trên trục dọc Bắc - Nam, trong đó Chính phủ kiến nghị chọn phương án 4. Thảo luận về vấn đề này, có đại biểu đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải, sau đó khi đủ điều kiện sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc. So với phương án 4 Chính phủ đề nghị thì phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa vì vận chuyển hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn.

Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là gần 56 tỷ đô-la Mỹ (USD), suất đầu tư bình quân vào khoảng 35,6 triệu USD/1 km. Các đại biểu cho rằng, với tổng mức đầu tư của Dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỷ USD, thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu (khoảng 2/3) vào vốn vay nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức hơn 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho Dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Báo cáo đầu tư của Dự án chỉ thiên về phân tích các lợi thế cho việc lựa chọn phương án 4. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin so sánh lợi thế giữa các phương án để có đủ cơ sở quyết định, đồng thời làm rõ việc đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc thì phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có sẽ như thế nào, chức năng vận chuyển và mối liên hệ giữa tuyến đường sắt hiện có với đường sắt cao tốc khi đi vào khai thác.

Theo Báo cáo đầu tư Dự án, ước tính có 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất. Báo cáo cũng dự trù việc đền bù cho những hộ gia đình nói trên.

Về vấn đề này, có đại biểu nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo đầu tư đề xuất phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này. Ðặc biệt là, đối với những địa phương hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, báo cáo chưa chỉ ra việc 16.529 hộ dân bị mất đất thì chuyện gì sẽ xảy ra với rừng. Báo cáo đầu tư dự kiến tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế sẽ phải lớn hơn nhiều bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà Dự án chưa tính đến. Có đại biểu nêu giải pháp, để giảm phức tạp, giảm chi phí cho công tác di dân, đền bù, nên chọn hướng tuyến phù hợp hơn.

Một số đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của Dự án do thời gian dự kiến thực hiện rất dài, với những biến động khó lường. Ðó là những rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản, phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về tỷ giá, giá cả, thị trường... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới Dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư.

VnMedia

Tin cùng chuyên mục