,

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, kết quả bước đầu đáng khích lệ

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra một số mục tiêu phát triển kinh tế đến cuối năm 2010, trong đó: Tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp trên 7.000 tỷ đồng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp; Số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia trên 85%; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 27 triệu USD; Tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội tăng bình quân 20%/năm...

Theo ông Hoàng Quốc Bình, Giám đốc Sở Công thương, hết năm 2009 vừa qua, một số mục tiêu chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đề ra, như: Cơ cấu kinh tế từ nông lâm nghiệp, công nghiệp - dịch vụ đang được chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp. Cơ cấu kinh tế quốc doanh Trung ương và địa phương từ 66,5% năm 2005 giảm xuống 32,5% năm 2009. Công nghiệp ngoài quốc doanh, gồm: Kinh tế tập thể, cá thể và các Công ty TNHH, DNTN từ 33,6% năm 2005 tăng lên 67,5% năm 2009. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp cuối năm 2009, toàn tỉnh có 32 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 10.303,1 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng. Số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 92,0/85,0%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội năm 2009 đạt 4.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,5%/20%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt trên 21,2 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 26,5%/18%/năm.

Toàn tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Trong đó có quy hoạch phát triển Điện lực giai đoạn 2007-2010 có xét đến năm 2015; Quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương), cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hoá), cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên), cụm công nghiệp Nà Hang; lập bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Yên Sơn tại huyện lỵ mới...

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 18/01/2007 về việc ban hành Quy định chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn; Quy định về đơn giá bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án thuỷ điện Nà Hang; Quy định về quản lý và xây dựng lưới điện nông thôn; Quy định về trách nhiệm quyền hạn của các cấp các ngành và tổ chức cá nhân trong quản lý và hoạt động khoáng sản...

Trong số 32 dự án công nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 10.303,1 tỷ đồng, có 9 dự án chế biến nông lâm sản, tổng vốn đầu tư 5.636 tỷ đồng; 18 dự án sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản và luyện kim, tổng vốn đầu tư 2.980 tỷ đồng; 3 dự án điện, nước tổng vốn đầu tư 1.392 tỷ đồng; 2 dự án chế nạp ga, tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện một số dự án công nghiệp trọng điểm: Đã có 20 dự án hoàn thành và đưa vào sản xuất; 12 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện; Các dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ như: Dự án xây dựng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hoà, Nhà máy Xi măng Tân Quang. Cụm các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị Long Bình An hiện đã có 13 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 7.800 tỷ đồng, trong đó 5 dự án đi vào hoạt động.

Tuy nhiên cũng theo ông Hoàng Quốc Bình, Giám đốc Sở Công thương,  tình hình phát triển công nghiệp - dịch vụ thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, như: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu là 5,8%, dẫn đến giá trị sản xuất giảm so với mục tiêu Nghị quyết. Cơ cấu phát triển công nghiệp còn hạn chế; công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng phát triển chậm, chưa hình thành được các trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Một số dự án tiến độ triển khai chậm như: Dự án xây dựng Nhà máy Phôi thép Tuyên Quang; Dự án xây dựng Nhà máy luyện Gang; Dự án xây dựng Nhà máy Bao bì; Dự án nhà máy Dioxit Mangan điện giải; Dự án Nhà máy sản xuất bột Kẽm; Dự án Nhà máy Hợp kim sắt; Dự án Thủy điện Chiêm Hóa; Dự án Thủy điện Hùng Lợi... Nguyên nhân chậm chủ yếu do năng lực tài chính của các chủ đầu tư. Mặt khác thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm...

Khắc phục tồn tại, hạn chế này, năm 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh ta tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.600 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với kế hoạch năm 2010; Giá trị hàng hoá xuất khẩu phấn đấu đạt trên 78,8 triệu USD...

Tỉnh tiếp tục triển khai quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát các dự án phát triển công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thành và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm, điểm công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển các lĩnh vực: Chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, cơ khí, lắp ráp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và những vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan đến đầu tư và phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của tỉnh như: Chè, sản phẩm khoáng sản đã chế biến sâu, gỗ tinh chế, giấy, hàng thủ công làng nghề. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để tiếp tục thu hút đầu tư; cùng với các doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.  

TQĐT

Tin cùng chuyên mục