,

Sự đoàn kết, gắn bó các dân tộc là động lực phát triển đất nước

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam cần tiếp nối truyền thống đoàn kết năm xưa, khơi dậy mọi tiềm năng, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.

Ngày 10/5, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tiếp 54 đại biểu đại diện cho hơn 1.700 đại biểu trên cả nước về dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất.

Đồng bào của 53 dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số cả nước, cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Xu hướng sống xen kẽ giữa các dân tộc ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ, hiểu biết lẫn nhau để cùng tiến bộ trong cuộc sống và phát triển sản xuất.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, Đại hội lần này là một dịp để tổng kết, tôn vinh công lao to lớn và những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Đồng thời đây cũng là cuộc biểu dương, củng cố truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư khẳng định đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định nhất, bền vững nhất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam cần tiếp nối truyền thống đoàn kết năm xưa, khơi dậy mọi tiềm năng, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.

“Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách trong mọi lĩnh vực, đặc biệt quan tâm đến vấn đề xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ sẽ được quan tâm hơn nữa bởi con người là yếu tố quyết định sự phát triển”, Tổng Bí thư nói.

Theo Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc Bế Trường Thành, trong những năm qua, chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần rất lớn hạn chế khoảng cách chênh lệch về đời sống kinh tế giữa các vùng miền. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 – 4%/ năm.

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã tác động trực tiếp đến các thành phần dân tộc, khai thác mọi tiềm năng để nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Buổi gặp mặt lần này cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, trong đó có những ý kiến rất cụ thể, thiết thực.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắc Liêng, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắc H’Bình Rơ Yam (dân tộc Mnông) bày tỏ, hiện nay việc sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tại các địa phương vẫn chưa được chú trọng. Nhiều người có tri thức, có trình độ nhưng chưa được sắp xếp vào công việc phù hợp, đúng chuyên môn.

Đại biểu Thạch Hel (dân tộc Khmer) cũng đề xuất những ý kiến liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc để đội ngũ cán bộ vừa đáp ứng được nhiệm vụ chính trị vừa gần gũi, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ báo cáo Quốc hội những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tin tưởng sự đoàn kết, gắn bó của các dân tộc thiểu số là động lực để phát triển đất nước.

* Ảnh: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ thân mật đại biểu về dự Đại hội Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I 

VGP News

Tin cùng chuyên mục