* UBND cấp xã có chức năng thi hành án hình sự
Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án hình sự do Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày, đa số ý kiến ĐBQH tán thành quy định UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo. Quy định này đã khẳng định vai trò của UBND cấp xã là trực tiếp quản lý công dân tại địa bàn và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), thực tế hiện nay, nhiều cấp xã giám sát các đối tượng chưa hiệu quả, chưa đạt được mục đích răn đe, giáo dục người phạm tội, nhất là đối với các đối tượng được hưởng án treo. “Thực tế công việc của cấp xã hiện nay rất nhiều, trong khi trình độ của cán bộ tư pháp xã chưa đều, chưa đáp ứng hết được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Dư thảo Luật cần quy định chặt chẽ để chính quyền xã làm tốt hơn vai trò của mình”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, để xác định cụ thể cơ quan đầu mối giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nói trên, dự thảo Luật đã quy định Công an cấp xã tham mưu giúp UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cụ thể.
* Có nên cho thân nhận nhận xác tử tù?
Chương IV – Thi hành án tử hình được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu đồng ý với dự luật về quy định việc thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Đây là hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, thì hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện.
Đồng tình với phương án này, đại biểu Đặng Huyền Thái – Hà Nội cho rằng cần quy định thật cụ thể về trình tự, thủ tục và chỉ thực hiện sau khi đã làm điểm rút kinh nghiệm.
Về vấn đề có nên cho thân nhân nhận xác tử tù, đại biểu Trần Bá Thiều - TP Hải Phòng cho rằng về mặt nhân đạo nên cho thân nhân nhận hài cốt. Về mặt tâm linh thì đó gần như là một nhu cầu của người dân. “Việc này theo tôi nên làm. Nếu làm được thì sẽ giải quyết được những phức tạp trong quản lý hài cốt”. Bởi nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%, dẫn đến khó khăn trong quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình.
Tuy nhiên ông Thiều đề nghị cần có quy định chặt chẽ về đối tượng mà gia đình được nhận hài cốt. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng cho rằng nên có điều kiện kèm theo là phải có cam kết về việc đảm bảo an ninh trật tự, không tổ chức tang lễ linh đình mà giao cho chính quyền địa phương nơi tổ chức tang lễ theo dõi, giám sát. Trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, vì lý do đảm bảo an ninh, trật tự Nhà nước không cho phép thân nhân nhận xác tử tù và Nhà nước có trách nhiệm tổ chức chôn cất, bảo quản phần mộ tử tù và cho phép thân nhân được thăm viếng theo phong tục tập quán”, bà Nga nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) còn đề nghị cần có quy định rõ về thời gian và thẩm quyền quyết định thi hành án tử hình. “Nếu không quy định rõ thời gian khi có quyết định tử hình kéo dài, án tồn đọng còn nhiều, rất phức tạp”, ông Nhơn nói.
* Chiều 24/5, Quốc hội đã thảo luận về Luật Trọng tài thương mại. Luật trọng tài thương mại được ban hành sẽ thay thế những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng, đơn giản và bảo đảm bí mật kinh doanh, góp phần tạo sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, các thương nhân nước ngoài.