,

Kinh tế Việt Nam: 10 sự kiện nổi bật năm 2010

Năm 2010, năm cuối cùng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, in dấu ấn của nhiều thành tựu và các sự kiện lớn. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn 10 thành tựu, sự kiện nổi bật của năm:

1. Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng

GDP cả năm đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, cao hơn kế hoạch đề ra 0,2%. Đây là một thành tựu lớn của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. So với các năm 2008 và 2009, GDP của năm 2010 cũng có tăng trưởng tiến bộ: GDP của năm 2008 chỉ đạt 6,18% và GDP của năm 2009 là 5,32%.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12/2010 theo giá so sánh 1994 ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm. Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng công nghiệp tháng 12 tăng 16,2%. Tính chung năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 794,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2009 (năm 2009 so 2008 chỉ tăng 7,6%), cho thấy sự phục hồi khá tốt của sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghiệp trong năm qua. Đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế còn phải kể tới những chuyển biến tích cực của xuất nhập khẩu. Năm 2010 khép lại với kim ngạch xuất và nhập khẩu đều vượt trên 10 tỷ USD so với kế hoạch, nhập siêu giảm so với năm 2009 và hoàn thành chỉ tiêu khống chế dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm. Đóng góp vào mức tăng trưởng GDP này của cả nước, cũng phải kể đến các địa phương với các mức tăng trưởng cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng...

Trên đà tăng trưởng đó, thành công lớn nhất của năm 2010 có thể kể đến việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là kết luận tại Hội nghị tư vấn nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam. Thông tin này vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Mừng vì sự phát triển của đất nước, được lên hạng từ nghèo lên trung bình, mừng vì cuộc sống người dân được cải thiện …Còn lo vì từ đây mọi chính sách hỗ trợ của quốc tế sẽ là hỗ trợ cho một nước có thu nhập trung bình chứ không phải hỗ trợ cho một nước có thu nhập thấp. Tuy nhiên, qua đó, cũng đặt Việt Nam vào một sự phát triển mới, cần phải hơn bao giờ hết phát huy nội lực trong công cuộc phát triển đất nước, hội nhập vào khu vực và thế giới...

2. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2010, Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của hai cuộc khủng khoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.200 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu...

Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ các tháng trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường xuyên và liên tục chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Trước những tín hiệu lạc quan về kinh tế-xã hội trong năm, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý, chúng ta không thể thỏa mãn, chủ quan mà cần nhận thức rõ nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, kiên trì, nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2010, làm tiền đề bước sang năm 2011 với nhiều thành công hơn nữa.

Cũng theo đó, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương trên cả nước kiên trì với 6 nhóm giải pháp lớn, trọng tâm nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Năm 2010, kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn. Chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm được các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm: tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 25%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thoả thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước tăng 19,1%, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch. Nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Nhập siêu cả năm khoảng 13,5 tỷ USD, dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn tỷ lệ nhập siêu năm 2009 và đạt chỉ tiêu đề ra.

Sản xuất kinh doanh phát triển, cân đối cung cầu được bảo đảm, cùng với các biện pháp tăng cường kiểm soát giá và chống đầu cơ, thị trường giá cả đã dần ổn định. Mức tăng giá tiêu dùng ở mức 2 con số, tuy chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (không quá 7%) nhưng trong bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp, đây là một cố gắng lớn, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm.

3. Gần 8 tỷ USD cam kết đầu tư cho Việt Nam

Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2010, cộng đồng các nhà tài trợ vẫn cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD (năm ngoái 8,063 tỷ).

Như vậy, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ kể cả lần này là trên 64 tỷ USD cam kết, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam. Các đối tác tài trợ của Việt Nam cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010.

4. Khánh thành nhiều công trình kinh tế chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Đại Lộ Thăng Long là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ, mang trong mình những dấu ấn riêng, mở ra diện mạo mới cho phía Tây và Tây Nam Thủ đô. Khi đưa vào sử dụng, Đại Lộ Thăng Long là con đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam. Đại lộ Thăng Long (trước đây là đường Láng - Hòa Lạc) dài 28km, rộng 140m, được tính bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng.

Cùng với Đại lộ Thăng Long, Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa... đều là những công trình nằm trong nhóm 33 công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, còn phải kể đến Tòa nhà Capital Tower - tòa nhà văn phòng hạng A tọa lạc tại số 109 Trần Hưng Đạo, trung tâm thành phố, với tổng diện tích hơn 30.000m2, bao gồm 23 tầng nổi và 3 tầng hầm, diện tích mặt sàn lý tưởng mỗi tầng từ 900m2 đến 1,200m2 theo tiêu chuẩn quốc tế.

Có thể khẳng định, những công trình mang dấu ấn 1000 năm này là niềm tự hào không chỉ đối với người dân Thủ đô mà của tất cả những người con đất Việt.

5. Biến động khó lường của giá vàng, giá USD và những nỗ lực kiểm soát lãi suất tín dụng

Giá vàng đã có một năm với những biến động mạnh chưa từng có. Cột mốc đỉnh cao mới của giá vàng đã lên tới 38,02 triệu đồng/lượng (9/11/2010). Với những biến động giá không lường như vậy của thị trường vàng, thị trường USD cũng nóng chẳng kém. Vào cuối tháng 9, giá USD tự do vượt mốc 20.000VND/USD, đến cuối ngày 4/11, mốc mới được xác lập là 21.000 đồng/USD và đến đầu tháng 12 đạt mốc cao nhất 21.600 VND/USD. Điều này cũng cho thấy dấu hiệu của tiền đồng Việt Nam đang đương đầu với việc mất giá.

Cũng trong năm 2010, với nỗ lực giảm lãi suất huy động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đã tạo nên sự đồng thuận về lãi suất giữa các ngân hàng. Song, sự đồng thuận này chưa thực hiện được. Mặc dù các ngân hàng đều niêm yết lãi suất huy động ở mức 12%/năm, nhưng các ngân hàng lại có thỏa thuận ngầm với khách hàng về một mức lãi suất thưởng để thu hút vốn. Do vậy, mức lãi suất cho vay vẫn được xem là khó cho các doanh nghiệp. Để các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc huy động vốn, NHNN đã khuyến khích lãi suất cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này lại “bị” các ngân hàng lớn tận dụng triệt để, làm sai đi giá trị tích cực của nó. Chỉ sau tín hiệu được phát đi của NHNN, thị trường lãi suất đã tăng đột ngột và xác lập kỷ lục lên gần 18%/năm (trước đó, các ngân hàng đang thực hiện đồng thuận là 12%). Điển hình nhất là việc tăng lãi suất huy động 17%/năm trong “3 ngày vàng” của NHTMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã làm ảnh hưởng đến thị trường lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, ngay sau đó, người đứng đầu NHNN lập tức có công văn yêu cầu các ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất thái quá phải điều chỉnh lại theo đúng tinh thần thỏa thuận giữa các ngân hàng. Từ ngày 11/12, các ngân hàng đã đồng loạt cam kết, áp dụng lãi suất huy động tối đa là 14% /năm; tổng lãi suất qua quy đổi các chương trình khuyến mại, cộng thưởng đi kèm tối đa là 15%/năm.

6. Thuỷ điện Sơn La về đích sớm 2 năm

Những ngày cuối năm 2010, tổ máy số 1 (công suất 400 MW) của thủy điện Sơn La sẽ chính thức phát điện, vượt tiến độ trước 2 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhà máy này có tổng mức đầu tư 58.483,412 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội.

Nhà máy được khởi công xây dựng vào ngày 2/12/2006. Nhà máy sẽ được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng bốn đường dây 500kV Sơn La – Hòa Bình, Sơn La – Nho Quan, Sơn La - Việt Trì và Sơn La – Sóc Sơn. Trạm 500kV Sơn La dự kiến đặt tại khu vực Pi Toong, cách nhà máy này khoảng từ 3-4km.

Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất thiết kế 2.400 MW với 6 tổ máy, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Không những thế, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm. Thủy điện Sơn La không chỉ có vai trò quan trọng là cung cấp điện năng mà còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ.

7. Các dự án lớn được thảo luận tại nghị trường và xã hội

* Quốc hội bỏ phiếu dừng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Dự án này với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi trên cả diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM đưa ra hai phương án và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận của quá bán số đại biểu Quốc hội. Chỉ với 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc do Chính phủ trình đã không được Quốc hội thông qua.

Dư luận cho rằng việc Quốc hội bỏ phiếu dừng triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là một quyết định hợp lòng dân.Trong lúc nhiều công trình quan trọng đang cần vốn, thì việc triển khai một dự án với số tiền cực lớn như vậy (trên 30 tỷ đô la Mỹ) là một việc làm chưa thật sự phù hợp!

* Nhiều tranh luận xung quanh dự án bô-xít Tây Nguyên: Chỉ trong 1 năm, vấn đề bô-xít Tây Nguyên 2 lần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Người bảo nên dừng, người lại bảo không có lí do gì phải dừng. Mỗi bên viện dẫn những cái lí riêng xung quanh hai vấn đề: Hiệu quả kinh tế và tính an toàn của dự án.

Trong Báo cáo về độ an toàn đối với môi trường tại dự án khai thác bô-xit Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, báo cáo đánh giá tác động môi trường do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập và do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định đã làm rất cụ thể, khoa học và bảo đảm độ an toàn về hệ thống môi trường, bảo vệ cả 2 khu vực đang xây dựng, trong đó có 4 khu về giáo dục tác động môi trường gồm: khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy và khu chất thải.

8. Vinashin: Phá sản, tái cơ cấu Vinashin và bài học “đắt giá”

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) xảy ra đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và phanh phui số tiền nợ lên tới 86.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền này thậm chí lớn hơn tới 2.000 tỷ đồng so với giá trị tổng số 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong 3 năm (2007 - 2009).

Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm lỗ, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu và tiến tới có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Theo đó, Vinashin sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển và đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển.Thời gian tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2011 đến hết năm 2013. Mô hình tập đoàn sẽ gồm công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm trong vụ Vinashin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém nêu trên. Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Chính phủ sẽ tập trung sức thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Vinashin, không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”.

9. Việt Nam đã thành công trong đấu tranh đưa cá tra ra khỏi “danh sách đỏ” của WWF

Cá tra, một mặt hàng chủ lực nằm trong danh mục đầu tư của các công ty thủy sản ở Châu Âu bị Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào danh sách đỏ trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 tại Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch, khuyến cáo người tiêu dùng toàn cầu nên lựa chọn thủy sản khác, thay thế sản phẩm cá tra bởi lý do tổ chức này đưa ra là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra “có vấn đề”.

VASEP cho rằng chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cụ thể về việc cá tra gây ảnh hưởng đến môi trường sống và các loại cá tự nhiên khác bởi nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản hay hóa chất sử dụng trong chăn nuôi...

Sau cá tra, tôm và cá rô phi tiếp tục bị đưa vào danh sách đỏ của tổ chức này. Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đang tích cực làm việc với WWF Việt Nam để nhanh chóng có các thông tin và tiêu chí đánh giá của WWF để xem việc xếp loại và đánh giá về cá tra, tôm và cá rô phi có thật sự khách quan.

Trước tình hình đó, bằng những nỗ lực và sự kiên quyết đấu tranh đến cùng, cuối cùng WWF đã phải thừa nhận sai sót và chấp nhận đưa cá tra ra khỏi “danh sách đỏ”.

Tuy nhiên, qua vụ việc này, sản xuất cá tra nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung cần có những chiến lược dài hơi tuyên truyền quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình.

10. Khởi tố, tạm giam những "kẻ làm giá" thị trường chứng khoán

Việc nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, ông Lê Văn Dũng bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán đã khiến những người tham gia thị trường chứng khoán thật sự “rúng động”. Đây cũng là hành động được kỳ vọng sẽ làm thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn, tạo ra sự nghiêm túc của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì các “con sâu” như ông Lê Văn Dũng sẽ tiếp tục còn đất sống vì hành vi thao túng rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ và khó kiểm soát.

Khởi tố, tạm giam những người “làm giá” là một việc làm cần thiết nhằm bảo đảm cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh.

vea.gov.vn

Tin cùng chuyên mục