,

Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch nhân lực các bộ, ngành

Quy hoạch nhân lực của các bộ, ngành cần phải được triển khai khẩn trương, hoàn thành trong năm 2010 trên cơ sở dự báo sát số lượng, chất lượng nhân lực.

Chiều 7/9 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo về quy hoạch  phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Quy hoạch mạng lưới đào tạo còn bất cập

Tại cuộc họp, ý kiến của các bộ cho rằng, lâu nay công tác chuẩn bị nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng sử dụng nguồn nhân lực theo kiểu chất lượng đến đâu dùng đến đó, thiếu dự báo quy hoạch đã tạo ra những khó khăn đối với nhiều dự án lớn và những bức xúc với các nhà đầu tư.

Có sự mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo, nhiều lĩnh vực quản lý mới của ngành chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm xây dựng chương trình và tuyển sinh đào tạo kịp thời.

Theo dẫn chứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có duy nhất trường trung cấp đào tạo về lĩnh vực sản xuất và bảo quản muối thì không có học viên. Điều đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc vì sao thời gian qua chúng ta vẫn phải nhập khẩu muối trong khi tài nguyên muối thì có thừa…

Một nguyên nhân khác là đội ngũ cán bộ có trình độ cao cấp ở các viện, các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có điều kiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ở trình độ đại học và sau đại học.

Những nguyên nhân trên chủ yếu là do đến nay vẫn chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về các chuyên ngành; việc đầu tư về cơ sở vật chất, đổi mới và tăng cường giáo trình, chuẩn hoá về đội ngũ giảng dạy cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành còn manh mún, dàn trải; mối liên kết liên thông giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực đào tạo trong nước và ngoài nước còn mang tính tự phát, chưa có chủ trương nhất quán.

Nhu cầu nhân lực của các ngành

Cũng tại cuộc họp, các bộ khẳng định, việc phát triển đào tạo nhân lực lĩnh vực mình quản lý cần tập trung vào các nội dung gồm đào tạo lại, đào tạo mới và đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý có phẩm chất, năng lực phục vụ sự nghiệp phát triển ngành, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế của đất nước.

Về các mục tiêu cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến trong giai đoạn từ 2011 – 2015 sẽ đào tạo từ 150 – 200 tiến sỹ trong đó ưu tiên cho lĩnh vực đất đai, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo… đào tạo mới từ 800 – 1.000 thạc sỹ, đặc biệt đào tạo lại hàng năm từ 6.000 đến 10.000 lượt cán bộ cấp tỉnh 1.000 – 1.500 lượt cán bộ công chức viên chức địa phương. Giai đoạn 2016-2020 tăng gấp đôi số lượng tiến sỹ, đại học.. Kinh phí thực hiện đề án khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Đối với ngành Y tế, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 41 cán bộ y tế/1.000 dân và 52 cán bộ/10.000 dân vào năm 2020; có 8 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2015 và 10 bác sỹ/10.000 dân vào năm 2020.

Đến 2015 phấn đấu thành lập 3 trường đại học y dược mới đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực làm công tác y tế và dân số và đến năm 2020 có trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ sau đại học…

Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2015, ngành cần hơn 702 nghìn cán bộ có trình độ từ trung cấp đến tiến sỹ  và đến giai đoạn 2016-2020 cần thêm hơn 630 nghìn cán bộ trình độ từ trung cấp đến tiến sỹ; ngoài ra mỗi năm sẽ dạy nghề cho đào tạo cho hơn 300 nghìn lao động nông thôn…

Dự báo sát số lượng và chất lượng nhân lực để quy hoạch hợp lý

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc phát triển đào tạo của các bộ, ngành phải gắn liền với việc bố trí sử dụng nhằm phát huy đầy đủ năng lực phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức.

Vì vậy, việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai, hoàn thành trong năm 2010 trên cơ sở có sự thống nhất về tiêu chí, phương pháp xây dựng, dự báo được về số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực, trước hết là nhân lực qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có đánh giá về nhu cầu đào tạo, tổng số nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành mình và chuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.

Về đầu tư, các Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý ngành mình để phân loại chỗ nào, cơ sở nào cần đầu tư nâng cấp, đầu tư mới. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát của các Bộ này,  Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguồn vốn để phân bổ hợp lý.

Ngoài ra, cần có chính sách đặc biệt để đào tạo nhân lực cho những ngành đang thiếu và những vùng đặc biệt như hải đảo, miền núi, vùng cao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 15/10/2010 phải hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói trên.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp quy hoạch của các Bộ này và chuyển cho các tỉnh, thành phố trong cả nước tham khảo, làm căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

VGP News

Tin cùng chuyên mục