,

Cần xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

Ngày 27-5, đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu.

Kính thưa Quốc hội!

Tôi nhất trí với báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2009 và kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2010. Qua tiếp xúc cử tri và từ thực tiễn địa phương tôi xin có ý kiến về một số vấn đề như sau:

Một là, đối với nhân dân ở các vùng di dân tái định cư để thực hiện xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, đường giao thông; ngoài các giải pháp chính sách như đất ở, đất sản xuất, kinh phí, vật tư,... tôi đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc dạy nghề, chuyển đổi sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, ổn định đời sống lâu dài cho nhân dân ở khu vực này góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, xóa đói giảm nghèo trong thời gian 5 năm cho đồng bào sau tái định cư kể từ khi hoàn thành công tác di dân tái định cư đến nơi ở mới.

Mặt khác, đề nghị Nhà nước có chính sách ưu tiên cho đồng bào, những người đã nhường đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để làm công trình thủy điện hiện đã tái định cư ở nơi ở mới được tham gia mua cổ phần với giá ưu đãi khi cổ phần nhà máy điện.

Hai là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đầu tư tập trung xây dựng, phát triển các cơ sở y tế, chú trọng y tế cho tuyến xã, cụm xã vì thực trạng hiện nay các cơ sở tuyến xã, cụm xã đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và không phục vụ kịp thời cho đời sống nhân dân nhất là vùng xa xôi, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng nông thôn.

Trên thực tế những năm qua bên cạnh các thành tựu đạt được, ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về nhân lực y tế như sự phân bổ cán bộ y tế không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và vùng đồng bằng. Tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; nhất là ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự bất cập giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực, cho thấy sự bất cập trong cung ứng và sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các vùng miền. Mặc dù, số lượng bác sĩ được đào tạo hàng năm tăng, nhưng rất ít bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tình trạng di chuyển cán bộ y tế từ tuyến dưới về tuyến trên, từ các vùng khó khăn ra vùng kinh tế - xã hội phát triển vẫn tiếp diễn hầu như không có điểm dừng. Vì vậy tôi đề nghị ngành y tế:

- Tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực y tế cho y tế cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đảm bảo thiết thực, hiệu quả hơn.

- Phối hợp tích cực với các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách cho cán bộ y tế, về chế độ phụ cấp ngành nghề, phụ cấp vùng miền, phụ cấp phòng, chống dịch bệnh, phụ cấp trực, có đủ sức hấp dẫn để thu hút cán bộ y tế về công tác ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển.

- Xây dựng, hoàn thiện chính sách cử cán bộ đi luân phiên công tác ở bệnh viện tuyến dưới, coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ y tế, đồng thời xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Tôi thấy ngành y tế cần tham khảo các chính sách đãi ngộ, ưu tiên của các ngành khác khi đưa các cán bộ công chức về công tác tại các tỉnh miền núi, biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa và vùng 135, như ngành giáo dục đã làm tốt việc thu hút giáo viên về giảng dạy tại các thôn, các xã vùng cao, vùng các xã 135. Thực trạng hiện nay cán bộ y tế ở thành phố và thị xã có mức sống khá cao thì chế độ ưu đãi cán bộ y tế công tác ở các xã 135 và vùng khó khăn như hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn và thu hút cán bộ đến công tác. Tôi đề nghị Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này để chăm sóc sức khỏe nhân dân ở những vùng này được tốt hơn.

Ba là, về lâm nghiệp, đối với các tỉnh miền núi, phát triển rừng là một thế mạnh, bảo vệ rừng và trồng rừng là một trong những giải pháp khôi phục rừng có hiệu quả, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của thiên tai, cải thiện môi trường sống và cả sinh kế cho con người. Để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu thì rừng càng trở nên cần thiết hơn lúc nào hết, nhưng chính sách về rừng chưa hấp dẫn người trồng rừng và người bảo vệ rừng.

Với mức khoán hiện nay cho bảo vệ rừng 100.000 đồng/ha thì người bảo vệ rừng chưa đảm bảo cuộc sống. Với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng rừng thì người dân rất khó trồng rừng có hiệu quả.

Hiện nay trồng rừng 1 ha bình quân cần từ 18 - 20 triệu đồng, để trồng rừng hiệu quả tôi đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ ít nhất bằng 2/3 tổng số kinh phí này bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn tín dụng ưu đãi dài hạn từ ngân hàng chính sách. Về mức khoán bảo vệ rừng phải đạt mức người dân chỉ tập trung bảo vệ rừng được giao khoán cũng đủ để đảm bảo cuộc sống. Tôi biết rằng để làm được những việc trên nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách khá lớn, nhưng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay gây ra thiên tai, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của con người thì số tiền bỏ ra để trồng rừng và bảo vệ rừng như đã nói ở trên nhỏ hơn nhiều số tiền chúng ta bỏ ra để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tôi cho rằng đây là giải pháp tích cực chủ động của chúng ta nhằm làm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu, góp sức cùng các nước trên thế giới để bảo vệ môi trường sống của con người được an toàn hơn.

Xin cảm ơn Quốc hội.

* Ảnh: Đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu QH khóa XII của tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XII.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục