,

Ấn tượng mùa thu Tuyên Quang

Không có miền quê nào trên đất nước ta có được niềm vinh dự và tự hào là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược như Tuyên Quang.

Trong Cách mạng Tháng 8-1945, Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, trung tâm lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 11 bộ và hơn 60 ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi. Lán Nà Lừa là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, Bác đã ở và làm việc trên đất Tuyên Quang tổng cộng hơn 6 năm, trong đó lâu nhất là ở Hang Bòng, thuộc xã Tân Trào hơn 3 năm. Ngày 16-8-1945, bên cây đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước; Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình (2-1951)... Truyền thống vẻ vang ấy nay là hành trang, là sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang từng bước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, vững bước vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH - HĐH vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

5 năm qua, dù bị ảnh hưởng gay gắt của suy giảm kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu, Tuyên Quang vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân ở mức cao: 13,53%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đã đạt 702 USD/năm. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; quy hoạch, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu công nghiệp Long Bình An và các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố.

Chủ trương khuyến khích đầu tư đã tạo sự chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp. Toàn tỉnh đã hoàn thành đầu tư 20 dự án trong đó có: Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang; Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hoà; Nhà máy Xi măng Tân Quang; Nhà máy luyện Feromangan; Nhà máy Gạch tuynel An Hoà... và đang tiếp tục đầu tư 20 dự án khác gồm thuỷ điện, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, luyện kim... Đến đầu tháng 7-2010, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 40 dự án với tổng vốn đăng ký gần 12.000 tỷ đồng; trong đó, đầu tư trong nước chiếm hơn 90%, còn lại là đầu tư nước ngoài và liên doanh với nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 762 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (tăng 360 doanh nghiệp so với năm 2005), với số vốn đăng ký trên 3.500 tỷ đồng, trong đó có 18 công ty nhà nước đã hoàn thành cổ phần hóa.

Hệ thống dịch vụ của tỉnh có bước phát triển; quy hoạch và thu hút đầu tư mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hệ thống chợ, một số trung tâm thương mại, siêu thị. Đặc biệt đã làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế du lịch. Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh và quy hoạch, đầu tư các khu, điểm du lịch; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch, bước đầu khai thác và phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh. Nhiều lễ hội truyền thống đã nâng tầm du lịch Tuyên Quang: Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hoá; Lễ hội Động Tiên và Chợ quê Hàm Yên; Lễ hội đình Giếng Tanh (Yên Sơn); Lễ hội chùa Hang; Lễ hội đền Hạ (thành phố Tuyên Quang)...

Tuyên Quang là tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh và tương đối bền vững. Những nỗ lực to lớn của tỉnh để bảo đảm an sinh xã hội thể hiện cụ thể ở giải quyết việc làm cho gần 64.000 lao động, xuất khẩu 9.827 lao động, đưa 24.400 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,64% xuống còn 14,85% hiện nay... Lâm nghiệp đã hoàn thành quy hoạch phát triển và quy hoạch tái phân định 3 loại rừng trên thực địa; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản; điều chỉnh, ban hành một số chính sách đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người trồng rừng, bảo đảm độ che phủ rừng luôn trên 64%.

Chương trình điện - đường - trường - trạm đều có sự phát triển thật sự ấn tượng. Hiện nay, toàn tỉnh có 94,1% số hộ dân sử dụng điện; 70% số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; bình quân 46 máy điện thoại/100 người dân. Tỉnh đã mở mới, cải tạo, nâng cấp QL2, QL2C, QL37, QL279, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh, xây dựng các cầu qua sông Lô: Tứ Quận, Tân Hà, Kim Xuyên. Giao thông nông thôn đã có đường ôtô đến gần 100% số thôn, xóm, bản. Các nhóm, lớp mầm non, điểm trường tiểu học được mở đến thôn, bản; 100% xã, phường, thị trấn có trường tiểu học, THCS; các cụm xã có trường THPT; thành lập 1 trường THPT dân tộc nội trú, 3 trường THCS dân tộc nội trú tại các huyện. Chưa bao giờ điều kiện học tập của con em các dân tộc lại được thuận tiện, cơ sở vật chất lại khang trang, đầy đủ như hiện nay.

Đến năm 2010, toàn tỉnh có 93 trường đạt chuẩn quốc gia (18 trường mầm non, 38 trường tiểu học, 35 trường THCS, 2 trường THPT). Tỉnh đã thành lập 5 bệnh viện đa khoa huyện từ các trung tâm y tế; thành lập mới 1 bệnh viện đa khoa khu vực huyện trên cơ sở các phòng khám đa khoa khu vực. 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó có 77 trạm y tế có bác sỹ; 95% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; trên 98% số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động; 70% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Vừa qua, khi lên thăm Tuyên Quang, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận xét, cái giàu chậm đến với Tuyên Quang có nguyên nhân khách quan là vị trí địa lý kém thuận lợi và cả do Trung ương đầu tư chưa nhiều... Hơn ai hết, người dân chiến khu xưa luôn ghi nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Tinh thần tự lực, tự cường vì sự phát triển của tỉnh và vì cả nước đã thành lẽ sống của mọi người dân Tuyên Quang...

Quê hương của Cách mạng Tháng Tám đã đổi thay và rồi sẽ còn làm nên những kỳ tích mới, ghi dấu ấn trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập kinh tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc.

* Ảnh: Cầu Tân Hà được khánh thành ngày 14-8 đúng vào dịp công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập thành phố Tuyên Quang và kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9.               

TQĐT

Tin cùng chuyên mục