,

lập đề án bảo vệ môi trường

hoàng văn Hiếu - hoangvanhieu2012@gmail.com
HỎI:

xin chào quý cơ quan!
Tôi là nhân viên của một công ty giết mổ. hiện nay công ty tôi phải làm đề án bảo vệ môi trường. vậy cho tôi hỏi như sau:
1. Chúng tôi có thể tự làm đề án bảo vệ môi trường không cần dơn vị tư vấn được không? có cần yêu gì không?
2. Liên hệ làm và nộp đề án ở đâu?
xin chân thành cảm ơn!

TRẢ LỜI:
Vấn đề bạn hỏi, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

(1) Theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ: Chủ dự án, tổ chức tư vấn khi thực hiện đánh giá tác động môi trường (đề án BVMT, KHBVMT) phải có đủ các điều kiện dưới đây:

- Có cán bộ được đào tạo về chuyên ngành môi trường trình độ đại học trở lên.

- Có cán bộ chuyên ngành liên quan đến dự án với trình độ đại học trở lên;

- Có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn được xác nhận đủ điều kiện thực hiện đo đạc, lấy mẫu, xử lý, phân tích mẫu về môi trường phục vụ việc đánh giá tác động môi trường của dự án; trường hợp không có phòng thí nghiệm, các thiết bị kiểm chuẩn đáp ứng yêu cầu, phải có hợp đồng thuê đơn vị có đủ năng lực.

Nếu Công ty bạn đáp ứng đủ các điều kiện trên, đơn vị có thể tự tổ chức lập hồ sơ môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về lập đề án bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực áp dụng theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Theo quy định tại điểm 2, khoản 13, Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ):

a) Các dự án, cơ sở đã đi vào vận hành nhưng chưa có xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

b) Sau khi chấp hành xong việc xử phạt, trường hợp dự án, cơ sở phù hợp về quy hoạch, chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở phải thực hiện như sau:

- Đối với dự án, cơ sở có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập đăng ký kế hoạch BVMT thì phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo quy định.

- Đối với dự án, cơ sở có quy mô, công suất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo ĐTM thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Chủ dự án, chủ cơ sở phải triển khai thực hiện và hoàn thành các công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; lập hồ sơ kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

(2) Tùy theo quy mô, công suất của dự án, đơn vị thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ gồm:

- Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và thẩm định các hồ sơ:

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định, xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thẩm định, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở trên địa bàn (trừ Kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền thẩm định, xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường).

Câu hỏi cùng chuyên mục