,

cho tôi hỏi về mưa đá?

Đỗ Thu Ngân - thungan@gmail.com
HỎI:

Cho tôi hỏi về hiện tượng mưa đá là do đâu, dấu hiệu nhận biết mưa đá và có thể phòng tránh hay phá được ko?

TRẢ LỜI:
Nội dung Bạn hỏi Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

* Quá trình hình thành mưa đá:

                  
                                                         Hình 2.  Hình ảnh minh họa cho mưa đá

Mưa đá bao gồm các hạt băng (nước đá) trong suốt hoặc không trong suốt có kích thước khác nhau, nhỏ như hạt đậu hay to như quả bưởi. Mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu (Mây đối lưu là đám mây có hình dạng của cái đe và thường gây ra dông) khi có dòng thăng mạnh mẽ để đưa các hạt nước mưa và các tinh thể băng ngược lên vào trong đám mây nơi có nhiệt độ đóng băng thấp và các hạt mưa sẽ đóng băng thành tuyết hoặc các hạt băng nếu như có sẵn có các hạt nhân ngưng kết. Sau đó các hạt băng được mang qua đám mây nơi có hàng triệu các hạt nước siêu lạnh va chạm với bề mặt băng và ngay lập tức bị đóng băng trên bề mặt đó và tạo thành các hạt băng lớn hơn. Lúc này khi các hạt băng hay các hạt mưa đá đã lên tới đỉnh đám mây, nó bắt đầu rơi xuống trên rìa phía ngoài của đám mây nơi có dòng thăng yếu hơn.

Hạt mưa đá tiếp tục rơi xuống khu vực có dòng thăng mạnh hơn và quá trình (chu trình) này lại lặp lại tạo thành những hạt mưa đá có kích thước lớn hơn. Quá trình (Chu trình) này sẽ tiếp tục và hạt mưa đá lớn dần lên cho đến khi dòng thăng không thể đẩy nó đi lên được nữa thì nó rơi xuống khỏi đám mây và rơi xuống mặt đất.

* Các dạng mưa đá và ảnh hưởng của nó đến con người, vật nuôi và cây trồng:

Mưa đá là cơn mưa với những hạt “nước đá” có kích thước khác nhau, rơi xuống từ các khối mây dông đồ sộ, chỉ xảy ra trong các cơn dông mạnh và thường kèm theo mưa rào với cường độ lớn trong khoảng từ vài phút đến vài chục phút. Nhưng không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá xảy ra, tần suất số cơn dông có mưa đá chỉ chiếm trên dưới 10%.
 
- Mưa đá nhỏ: dưới dạng những hạt băng trong suốt xuống từ mây, các hạt hầu như có hình cầu, và đôi khi hình nón, đường kính có thể bằng hoặc lớn hơn 5mm
 
- Mưa đá: dưới dạng những hạt nước đá, có thể trong suốt, có thể đục một phần hay tất cả. Cục đá thường hình cầu, hình nón, hoặc không đều. Đường kính từ 5mm đến 50mm. Mưa đá xuống từ mây, hoặc rơi rời rạc, hoặc kết thành màn không đều.Các cục nước đá có trọng lượng khoảng từ 5 gram đến vài ba trăm gram. Vận tốc rơi từ trên cao xuống khá lớn và gia tăng tỉ lệ với kích thước và trọng lượng của cục đá. Tốc độ rơi dao động trong khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể lên tới 90m/s. Với vận tốc như vậy nên khi rơi xuống mặt đất hay các thảm thực vật có thể để gây nên những thiệt hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra. Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những hòn mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm

* Mưa đá thường hay xảy ra ở đâu và trời gian hình thành:

Ở nước ta mưa đá có thể xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước. Nơi thường xảy ra mưa đá nhất là ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Ở Nam Bộ cũng quan sát thấy mưa đá vào thời kỳ chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa, nhưng chủ yếu là mưa đá nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các vùng miền trên lãnh thổ nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, các tỉnh miền Bắc lại hay chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về, kết hợp với hội tụ gió tây nam trên cao gây ra.

Mưa đá thường hay hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa lạnh sang mùa nóng (tháng 4, 5 và 6) hoặc giữa mùa nóng sang mùa lạnh (tháng 9, 10 và 11). Sở dĩ mưa đá thường xảy ra vào thời gian này là vì vào các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và dông mạnh, đôi khi là cả mưa đá.

* Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, vậy có thể phá được mưa đá không

Qua nghiên cứu những viên đá rơi xuống, người ta phát hiện thấy bên trong có những "phôi đá". Trong mây có rất nhiều hạt nước do quá trình lạnh, kết thành đá trên phôi đá, làm phôi đá to dần và trở thành những cục đá rơi xuống. Như vậy, để hình thành các đám mây có thể gây ra mưa đá, trước tiên phải có những phôi đá và những hạt nước quá lạnh ngưng tụ lại trên phôi đá. Muốn ngăn chặn những trận mưa đá, người ta phải nghĩ cách làm giảm bớt hạt nước quá lạnh trong mây. Để làm được việc đó, người ta áp dụng các biện pháp sau:

- Giảm bớt việc cung cấp những hạt nước quá lạnh trong mây, bằng cách dùng pháo bắn làm giảm bớt những luồng khí bay lên cao hoặc rải những hạt mang tính hút ẩm ở phần phía dưới mây, mưa đá, để cho hơi nước bay lên sớm ngưng tụ thành nước, trọng lượng tăng lên, khó có thể bay lên cao hội tụ với khu vực có nhiệt độ quá lạnh.

- Giảm bớt những hạt gây mưa đang quá lạnh trong đám mây, bằng cách tăng thêm hạt băng hoặc thuốc làm lạnh để những hạt nước nhanh chóng kết thành nhiều phôi đá chứ không tích tụ lại trên số ít phôi đá. Nhiều phôi đá này rơi xuống tầng không khí thấp hơn và nhanh chóng chuyển sang tinh thể nước tạo thành mưa rơi xuống.

- Tăng thêm hạt băng, bằng cách lợi dụng luồng khí bốc lên do quá trình ngưng tụ toả nhiệt, những hạt nước quá lạnh chưa kịp gặp phôi đá đã bay lên tầng cao có nhiệt độ lạnh hơn (- 300C), ngưng tụ lại thành hạt nhỏ chứ không trở thành phôi đá, tức nguyên liệu của mưa đá bị loại bỏ.

Về mặt lý thuyết, những phương pháp trên đều có thể ứng dụng, song phương pháp nào tốt nhất tuỳ thuộc theo từng nước, và còn đang trong quá trình nghiên cứu. Có nước dùng thuốc phun vào những đám mây để chúng tan ra trước khi kết thành hạt băng, hạt đá. Người ta thường dùng máy bay, tên lửa hoặc pháo lớn làm công cụ đưa thuốc vào mây.

* Những dấu hiệu nhận biết trời sắp xảy ra mưa đá

Như chúng ta đã biết mưa đá là các hạt băng (nước đá) trong suốt, hình thành trong các đám mây đối lưu (các đám mây dông mạnh). Do vậy nhận biết dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh.
Khi bạn đang ở một nơi nào đó, không có thông tin hoặc không nghe được thông tin dự báo có mưa dông (có thể có cả mưa đá), bạn đọc vẫn có thể qua hiểu biết mà tự phòng tránh: Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá đã kéo đến. Hãy cùng nhau chiêm nghiệm điều này trong thực tế.

 

Câu hỏi cùng chuyên mục